Tăng cường hơn nữa chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội
Phát biểu tại Phiên thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Bình Dương) sáng nay, 12.2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa chức năng giám sát của Quốc hội, đặc biệt là trong giám sát các văn bản, tránh tình trạng cơ quan cấp dưới lạm quyền, sử dụng văn bản thuộc thẩm quyền của mình để cản trở doanh nghiệp, cản trở nhân dân.
Dành thời gian nhiều hơn cho công tác giám sát văn bản và giải trình
Qua thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 19 cơ bản tán thành việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, việc sửa đổi Luật để kịp thời thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; bám sát Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm “chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xây dựng luật ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề mang tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao Chính phủ, các cơ quan quy định để bảo đảm linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành.
Do đó, dự thảo Luật này chỉ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch; đồng thời giao, Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương.
Liên quan tới một số nội dung cụ thể tại dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần chú trọng khâu đánh giá tác động chính sách, bảo đảm thực chất, tránh hình thức.
Dự thảo Luật không quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Do đó, cần rà soát bảo đảm quy định tại dự thảo Luật phải thể hiện rõ trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện các quy trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về quy định liên quan tới thời hạn gửi hồ sơ thẩm tra, vấn đề lùi thời điểm trình cũng như quy định về tham vấn chính sách. Đồng thời, nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa chức năng giám sát của Quốc hội, đặc biệt là trong giám sát các văn bản, tránh tình trạng cơ quan cấp dưới lạm quyền, sử dụng văn bản thuộc thẩm quyền của mình để cản trở doanh nghiệp, cản trở nhân dân. Công tác giám sát văn bản và công tác giải trình của Quốc hội ngày càng quan trọng hơn và phải dành thời gian nhiều hơn; giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác giám sát, tổ chức thực hiện có sự gắn bó chặt chẽ với nhau.
Vừa bảo đảm chất lượng vừa rút ngắn thời gian tối đa
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh, dự thảo Luật là một cuộc cách mạng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Định hướng xây dựng luật là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay để xây dựng được một quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa bảo đảm chất lượng của luật vừa rút ngắn thời gian đến mức tối đa, trong các điều luật cũng đã thể hiện rất rõ định hướng này.
Với đề xuất của quy trình mới như Chính phủ trình thì một văn bản quy phạm pháp luật từ lúc khởi thảo đến lúc thông qua sẽ được rút ngắn thời gian từ 22 tháng xuống còn 10 tháng và xuống đến 5 tháng nếu chỉ thực hiện quy trình soạn thảo. Đối với việc xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn chỉ còn khoảng 1-2 tháng (giảm được 6-8 tháng). “Đây là một sự thay đổi rất lớn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang thay đổi rất nhanh”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.
Liên quan đến việc lùi thời điểm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết tại khoản 4 Điều 38 và điểm b, khoản 11 Điều 40, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhất trí với đề xuất của Chính phủ là để bảo đảm quyền trình dự án luật, pháp lệnh của cơ quan trình và đồng thời bảo đảm yêu cầu đối với cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng.
Về thời hạn gửi hồ sơ để tiến hành thẩm tra tại Điều 37, đại biểu băn khoăn khi đối với dự án trình Quốc hội thì chậm nhất 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, tăng 15 ngày so với quy định hiện hành nhưng thời hạn thẩm tra không quá 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Cho rằng, quy định như vậy chưa hợp lý, không đủ thời gian để cơ quan thẩm tra đi khảo sát, tiến hành lấy ý kiến đối tượng tác động cũng như phân tích các chính sách mới một cách thấu đáo, đại biểu đề nghị nên dành nhiều thời gian hơn cho cơ quan thẩm tra.
Cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) hoan nghênh việc sửa đổi để bổ sung các quy định nâng cao chất lượng của báo cáo đánh giá tác động chính sách. Đây là nội dung rất quan trọng vì một quy định được đưa ra nếu đánh giá không kỹ lưỡng, không chính xác thì có rất nhiều tác động đến các nhóm đối tượng mà không thể lường trước được.
Theo khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật, nội dung chính sách phải cụ thể, rõ ràng, bao gồm: vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của từng vấn đề; mục tiêu cần đạt được khi giải quyết các vấn đề; các giải pháp để giải quyết từng vấn đề; đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, nhóm đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện chính sách; giải pháp tối ưu được lựa chọn.
Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị chỉnh lý thành “các giải pháp khác nhau để giải quyết từng vấn đề” và đánh giá tác động của từng nhóm giải pháp này đến từng nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm cả tác động tiêu cực và tích cực.
Khoản 4 Điều 31 dự thảo Luật về nội dung thẩm định chính sách, để bảo đảm báo cáo đánh giá tác động có chất lượng thực sự, không mang tính hình thức, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, cần bổ sung nội dung thẩm định và đánh giá chất lượng của báo cáo.