Tăng cường hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 19/7, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Tham dự buổi tiếp có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, cán bộ, chuyên gia Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị gửi lời chào mừng Đại sứ Ito Naoki và các thành viên của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đến làm việc tại Bộ Xây dựng, đồng thời chúc mừng Đại sứ Ito Naoki đã được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoai giao Việt Nam – Nhật Bản, với sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ hai nước dựa trên sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực và hợp tác địa phương. Năm 2023, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thông tin về Bản ghi nhớ hợp tác đã hết hiệu lực từ tháng 5/2021 giữa Bộ Xây dựng (Việt Nam) và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT). Trong tháng 4 vừa qua, do lịch trình của hai Bộ trưởng không khớp nhau nên chưa thể tái ký Bản ghi nhớ giữa hai Bộ trưởng trong đợt Bộ MLIT sang thăm Việt Nam. Bộ Xây dựng và Bộ MLIT vẫn đang trao đổi và hoàn thiện nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác và rất hy vọng sẽ có thể ký kết sớm.

Liên quan đến đô thị thông minh, Bộ trưởng cho biết: Nhật Bản là một trong các đối tác tích cực của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN). Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất phía Nhật Bản nghiên cứu đưa nội dung về đô thị thông minh vào Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ; Hỗ trợ nguồn lực nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển đô thị thông minh…; Tăng cường chia sẻ, tổ chức chương trình đối thoại với các nhà đầu tư Nhật Bản, xúc tiến đầu tư xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam;

Bên cạnh đó, chia sẻ tài liệu, cử chuyên gia hỗ trợ, xây dựng thể chế, chính sách liên quan trong lĩnh vực phát triển đô thị, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, tái thiết đô thị, quản lý môi trường đô thị; Hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực thông qua tổ chức các hội thảo chuyên môn, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản; Xây dựng và triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật nghiên cứu phát triển đô thị thông minh, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam...

Về thoát nước, xử lý nước thải đô thị, Bộ Xây dựng và Bộ MLIT đã hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải từ năm 2010 đến nay. Hiện nay, Cục Hạ tầng kỹ thuật đang triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý, quản lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị, dự án thực hiện từ năm 2022 đến 2026.

Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm.

Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm.

Nhiều dự án về thoát nước và xử lý nước thải được triển khai sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản cũng đã và đang được đầu tư tại nhiều địa phương như: Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá Thành phố Hà Nội sẽ đưa vào vận hành chính thức các nhà máy xử lý nước thải vào cuối năm 2024; hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, đào tạo... về lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Fukuoka và Cần Thơ, Yokohama và tỉnh Đồng Tháp năm 2024…

Đối với lĩnh vực này, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các Dự án thoát nước và xử lý nước thải đang được triển khai xây dựng nhằm bảo đảm hiệu quả của các dự án đã được phê duyệt và hỗ trợ các dự án đầu tư thoát nước và xử lý nước thải đô thị tại Việt Nam.

Đồng thời hỗ trợ tiếp cận quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam; nâng cao kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị và khu dân cư tập trung.

Hiện Bộ MLIT đang quản lý lĩnh vực cấp nước và không gian ngầm đô thị. Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị mở rộng thêm 02 lĩnh vực hợp tác nêu trên trong thời gian tới (đưa vào nội dung Bản ghi nhớ sắp tới được ký kết giữa hai Bộ).

Về lĩnh vực kinh tế, hợp đồng xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng đã hoàn thành dự án “Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng công trình” (Dự án SMTC), thực hiện trong 04 năm từ năm 2020 đến năm 2024.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xem xét, hỗ trợ nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống công cụ về quản lý hợp đồng xây dựng và đưa vào danh mục tài khóa các dự án hợp tác kỹ thuật của Nhật Bản năm 2025.

Ngoài ra, liên quan đến việc thành lập Ban giải quyết tranh chấp (DAB) để giải quyết những khác biệt trong cách hiểu hợp đồng trong việc chi trả các chi phí đào tạo lái tàu và vận hành thử, điều kiện bàn giao thiết bị như toa xe… tại Dự án Bến Thành – Suối Tiên (Dự án line 1), Bộ Xây dựng sẽ kịp thời hướng dẫn UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) thực hiện xử lý các khác biệt trong cách hiểu hợp đồng thông qua DAB theo quy định pháp luật

Phát biểu đáp từ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã dành thời gian tiếp Đoàn.

Đại sứ Ito Naoki nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trong việc 2 bên cùng thảo luận tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT trong thời gian tới.

Đại sứ cũng cho biết, hiện nay tại Việt Nam, nhiều dự án trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản đã, đang góp phần nâng cao năng lực ngành cấp, thoát nước Việt Nam. Điều đó cho thấy hiệu quả trong triển khai các dự án tại Việt Nam bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Đại sứ Ito Naoki chia sẻ, Bộ trưởng Bộ MLIT mong muốn được đón tiếp Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đến thăm Tokyo để ghi nhận sự đổi thay của đô thị Nhật Bản, đồng thời cũng là dịp để đất nước Mặt trời mọc chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý phát triển đô thị nói chung, quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cấp thoát nước đô thị nói riêng, góp phần giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện các chính sách có liên quan.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Đại sứ Ito Naoki cùng trao đổi một số nội dung nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa 2 bên, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Đan Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tang-cuong-hop-tac-huu-nghi-viet-nam-nhat-ban-trong-linh-vuc-xay-dung-379799.html