Tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Tại Hội nghị Đối thoại chính sách 'Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp', chiều ngày 8/7, các đại biểu đã chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn. Đó là bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường.

“Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu.

Đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững”, ông Tiến khẳng định.

Trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, phối hợp đa ngành, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế, các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, khối tư nhân cùng chung tay hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng. Làm tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu.

“Chúng ta đều có thể góp phần thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đến từ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đối với sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể dựa vào khoa học, công nghệ và các thí điểm thành công đã có ở Việt Nam.

Từ đó, thiết kế các hệ thống canh tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, với sự tham gia của tất cả các bên như chế biến, vận chuyển, bán lẻ. Thúc đẩy sự cung ứng có trách nhiệm từ trang trại đến bàn ăn”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Tại các phiên đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế (EU, Úc, Canada, FAO…), khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các bộ ban ngành đã cùng nhau chia sẻ về các cơ chế hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tuần hoàn. Giới thiệu các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công.

Cùng với đó, đánh giá cao sự tích cực chủ động của ngành nông nghiệp về nỗ lực thực hành nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, các ý kiến đều nhấn mạnh tới đối tác công - tư trong sự thành công của nông nghiệp tuần hoàn.

Tại hội nghị, UNDP đã giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ Đóng góp do quốc gia tự quyết định - Kinh tế Tuần hoàn (NDC-CE). Bộ công cụ này được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu NDC 2025.

Ngân Hà

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-ve-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep/20240708083548006