Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc, thúc đẩy dòng vốn xanh
Ngành ngân hàng đang đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy 'xanh hóa' dòng vốn đầu tư, thông qua các chính sách và quy định về tín dụng xanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày 25/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Hợp tác Tài chính Quốc tế Hàn Quốc và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Hướng tới một tương lai bền vững: Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc”.
Tọa đàm tập trung thảo luận về vai trò của các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong hoạt động ngân hàng, cũng như xu hướng phát triển ESG trên toàn cầu.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng nhấn mạnh: Đối diện với nhiều vấn đề môi trường và xã hội nổi cộm, Chính phủ các nước đã và đang tập trung chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững, vừa theo đuổi giá trị kinh tế vừa đảm bảo các cam kết vì lợi ích cộng đồng. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đang đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, thông qua các chính sách và quy định về tín dụng xanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó có Chỉ thị số 03/CT-NHNN (2015) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và Quyết định số 1604/QĐ-NHNN (2018) về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm định hướng các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Công ty tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.
Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong đó, đáng chú ý là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020).
ESG hiện là vấn đề đang được quan tâm trên toàn cầu và Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu trong thực thi ESG. Tham dự sự kiện lần này, về phía Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc, bà Lee Eun Ha, Giám đốc phòng Kế hoạch ESG, ông Kim Ji-hyun, Phó Giám đốc Phòng Quản lý rủi ro đã có phần trình bày về một số “Sáng kiến ESG của Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc”, với mong muốn thông qua những kinh nghiệm triển khai chiến lược ESG từ Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc, qua đó góp phần xây dựng và phát triển các ý tưởng cho hoạt động ESG hiệu quả của ngành ngân hàng Việt Nam trong tương lai.
Theo thống kê, đến cuối tháng 3/2024, 47 tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã có dư nợ tín dụng xanh, với tổng dư nợ đạt hơn 636 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hơn 21% dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội. Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã thiết lập các bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro ESG.