Tăng cường hợp tác thương mại, dịch vụ Việt Nam – Thụy Điển thông qua Viet Nam International Sourcing 2023 và EVFTA
Viet Nam International Sourcing 2023 và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hợp tác mạnh hơn cho doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển.
Ông Richard Mellgren - Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, bán hàng và tiếp thị - Cảng Gothenburg đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, được biết, Cảng Gothenburg (Thụy Điển) là cảng trung chuyển hàng hóa lớn nhất Thụy Điển và rất quan trọng ở khu vực Bắc Âu. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của hàng Việt Nam tại thị trường Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung?
Nhìn lại 5 năm vừa qua (2018-2022), chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng hai con số giữa Việt Nam và Thụy Điển cả về xuất khẩu và nhập khẩu, điều này chứng tỏ rằng chắc chắn có sự quan tâm và nhu cầu cao trong việc phát triển hơn nữa thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Hiện nay giữa hai nước đã có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020. Đây chắc chắn là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Cảng Gothenburg được trang bị tốt để xử lý khối lượng tăng lên cả về hàng hóa container cũng như hàng hóa tự vận hành lên tàu (Roll On/Roll Off), chẳng hạn như ngành công nghiệp ô tô/xe cộ. Tất cả các hãng vận tải container lớn đều ghé cảng của chúng tôi. Cảng này có tầm quan trọng lớn nhằm đảm bảo hàng hóa giữa Việt Nam và Thụy Điển có thể giao thương một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.
Cảng Gothenburg sẽ tham gia Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023” do Bộ Công Thương tổ chức tại Việt Nam vào tháng 9. Ông kỳ vọng điều gì khi tham gia sự kiện này?
Chúng tôi vô cùng vui mừng được tham dự sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023 và chúng tôi rất mong muốn được kết nối với các công ty trong nước và quốc tế với hy vọng tìm được những lĩnh vực cùng quan tâm, có thể mang lại lợi ích cho thương mại giữa hai nước.
Chúng tôi cũng mong đợi được gặp các công ty Việt Nam và các doanh nghiệp Việt có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn khi vận chuyển hàng hóa của họ đến hoặc đi từ Thụy Điển. Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất ở Thụy Điển và chúng tôi có mạng lưới đường sắt rộng khắp nối Gothenburg với một số nhà ga nội địa từ phía Nam đến phía Bắc Thụy Điển (và cả Oslo, Na Uy). Chúng tôi có thể hợp tác để giúp hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển thuận lợi hơn.
Những trọng tâm mà ông mong muốn trao đổi nhằm tăng cường hợp tác với phía Việt Nam trong thời gian tới thông qua Vietnam International Sourcing 2023 là gì, thưa ông?
Chúng tôi đang tập trung tìm hiểu thêm về thị trường Việt Nam và hiểu rõ hơn về cách chúng tôi có thể đóng góp vào chuỗi cung ứng liên quan đến việc hỗ trợ các công ty bằng các giải pháp và dịch vụ hậu cần bền vững và thông minh.
Bằng cách có một bức tranh rõ ràng hơn về nhu cầu và yêu cầu của ngành, chúng tôi có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình. Cũng sẽ có ích nếu hiểu rõ mọi thách thức thương mại và thảo luận xem Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và EU có thể được phát huy tác dụng nhiều hơn không? Làm cách nào để nâng cao hiệu quả sử dụng hiệp định này thông qua các cuộc thảo luận khi chúng tôi gặp gỡ và nói chuyện với các công ty ở Thụy Điển đang giao dịch hoặc có kế hoạch thành lập doanh nghiệp với các công ty Việt Nam.
Mong muốn của chúng tôi cũng là đảm bảo rằng sau các cuộc gặp gỡ, những doanh nghiệp mà chúng tôi đã gặp sẽ cân nhắc đến chúng tôi khi sử dụng các dịch vụ mà chúng tôi có thể cung cấp.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng?
Ngoài mối quan hệ lâu dài, đảm bảo cung cấp sản phẩm tốt/chất lượng cao, có lực lượng lao động lành nghề cho sản phẩm được đề cập, tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở nên quan trọng. Các quốc gia Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển) đã tiến khá xa về tính bền vững, không phải vì người tiêu dùng cuối cùng có ý thức hơn mà họ cũng có yêu cầu tương tự khi lựa chọn sản phẩm.
Điều này cũng sẽ trở thành bắt buộc đối với các công ty lớn hơn cũng như một số doanh nghiệp vừa và nhỏ phải theo dõi lượng phát thải ở phạm vi 1 và 2 của họ (trong một số trường hợp nhất định cũng là phạm vi 3) như một phần của Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) có hiệu lực ở EU vào năm Tháng 1 năm 2024. Và tất nhiên, tiếp tục tận dụng hơn nữa cơ hội từ Hiệp định EVFTA.