Tăng cường hợp tác thương mại nông sản Việt Nam - Hoa Kỳ
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, Hoa Kỳ luôn đồng hành với sự phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại nông sản giữa hai nước.

Buổi tiếp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (bên phải ảnh) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh ST
Ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã tiếp và làm việc với ông Marc Knapper - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Bộ trưởng đề cập đến đối thoại gần đây giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Qua đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có cơ hội trao đổi và tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp Mỹ, hiểu rõ hơn về nhu cầu hợp tác giữa hai bên.
Trải qua 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng toàn diện, sâu rộng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Hoa Kỳ đã tăng từ 2,2 tỷ USD vào năm 2023 lên 2,76 tỷ USD vào năm 2024.
Đại sứ Marc Knapper khẳng định, Hoa Kỳ luôn đồng hành với sự phát triển bền vững của Việt Nam, luôn có tiếng nói trong các lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và thủy sản bền vững.
Ông bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường, góp phần củng cố quan hệ ngoại giao hai nước.
Theo Đại sứ Knapper, vấn đề cân bằng thương mại nông sản hai chiều là một trọng tâm được Tổng thống Donald Trump quan tâm. Đại sứ bày tỏ, Hoa Kỳ mong muốn tiếp cận các giảm thuế để có thể cạnh tranh công bằng hơn trong thị trường đang phát triển của Việt Nam.
Những sản phẩm nông sản thế mạnh của hai nước có tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau nên chúng tôi rất sẵn lòng mở cửa cho nông sản Hoa Kỳ. Đây là những quyết định có lợi cho cả hai nước.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cấp phép cho 60/61 hồ sơ thực phẩm biến đổi gen, chủ yếu là ngô và đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,5 tỷ USD ngô, đậu tương và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực giảm thuế tối đa nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Hoa Kỳ cho Hoa Kỳ, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Đại sứ Marc Knapper quan tâm thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ngoài vấn đề nông sản, hai bên cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thực thi pháp luật biển, phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
Một trong những dấu ấn gần đây trong quan hệ Việt - Mỹ là gói viện trợ trị giá 12,5 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam thực thi IUU.

Việt Nam đang nỗ lực thực thi IUU, trong đó có việc kiểm soát tốt đội tàu đánh bắt. Ảnh: P.Hiến
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper nhấn mạnh, thực thi pháp luật và chống đánh bắt IUU là vấn đề nhận được sự quan tâm từ Tổng thống Trump; phía Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Liên quan đến phán quyết của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) về việc không công nhận tính tương đương trong quản lý nghề cá của Việt Nam theo Đạo luật Bảo vệ Động vật có Vú ở Biển (MMPA), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, phán quyết sơ bộ chưa phản ánh đầy đủ các điều chỉnh pháp lý và thực thi mới nhất của Việt Nam.
Hiện nay, Bộ đã rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến MMPA trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá quy mô nhỏ, việc thống kê đầy đủ về thực thi các biện pháp áp dụng từ năm 2024 trong thời gian ngắn là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị Đại sứ hỗ trợ Việt Nam gia hạn thời gian cung cấp một số dữ liệu liên quan đến ngày 01/7/2025, thay vì hạn chót hiện tại là 01/4/2025.
Đại sứ Marc Knapper khẳng định sẽ nỗ lực chuyển tải ý kiến của Bộ trưởng đến các cơ quan liên quan trong quá trình đánh giá; đồng thời kỳ vọng quan hệ hợp tác song phương sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam./.