Tăng cường hợp tác Việt - Nhật trong ngành than

Sáng ngày 3/10, phát biểu tại Hội thảo Than Việt Nam - Nhật Bản năm 2019, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn dầu khí và Tài nguyên khoáng sản kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) khẳng định, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì lợi ích của không chỉ hai doanh nghiệp mà vì sự phát triển bền vững của ngành than hai nước.

Tại hội thảo, nói về chính sách chung của Việt Nam đối với ngành công nghiệp than, ông Trịnh Đức Duy - Trưởng phòng Công nghiệp than (Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương) - cho biết, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trong đó, giao ngành than tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có để chuẩn bị đủ tài nguyên than tin cậy phục vụ thiết kế khai thác theo Quy hoạch và đảm bảo công tác thăm dò phải đi trước một bước.

Vinacomin và JOGMEC sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì lợi ích của không chỉ hai doanh nghiệp mà vì sự phát triển bền vững của ngành than hai nước

Vinacomin và JOGMEC sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì lợi ích của không chỉ hai doanh nghiệp mà vì sự phát triển bền vững của ngành than hai nước

Về công tác xuất, nhập khẩu than, ông Duy cho biết, Quy hoạch đã nêu rõ, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; giảm dần xuất khẩu; tích cực, chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Thực hiện quy hoạch này, Tập đoàn Vinacomin đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch cụ thể. Hiện nay, Vinacomin được giao quản lý, khai thác 40 mỏ với sản lượng than nguyên khai khoảng 25-37 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác trong nước. Theo quy hoạch, giai đoạn 2020-2025, Vinacomin sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 46,5-51,9 triệu tấn (gồm cả than nhập khẩu), trong đó nhập khẩu khoảng 10-15 triệu tấn/năm và xuất khẩu theo cân đối trong quy hoạch là khoảng 2 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, “Điều kiện khai thác của ngành than ngày càng khó khăn, nhất là với khai thác than hầm lò” – ông Vũ Thành Lâm – Thành viên Hội đồng thành viên Vinacomin – nói và cho biết thêm, để khắc phục khó khăn, cùng với nhiều giải pháp của Vinacomin, công tác hợp tác quốc tế, nhất là với các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành than của Nhật Bản là một giải pháp quan trọng giúp Vinacomin làm chủ công nghệ khai thác, chế biến, pha trộn than, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.

Vinacomin đã hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI); Tập đoàn Dầu khí và Tài nguyên khoáng sản kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) và nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực than, khoáng sản của Nhật Bản nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động vốn đầu tư cho phát triển.

“Hiện Vinacomin và các đối tác Nhật Bản đã và đang triển khai 02 chương trình hợp tác quan trọng, gồm: Đào tạo nâng cao kỹ thuật khai thác và An toàn và hợp tác khảo sát thăm dò” - ông Lâm cho biết.

Cụ thể, với Dự án Đào tạo nâng cao kỹ thuật khai thác, tính đến hết năm 2018, đã có 1.797 tu nghiệp sinh của Vinacomin được cử sang Nhật Bản học tập và trên 80 nghìn lượt người lao động của Vinacomin được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, đào tạo tại Việt Nam. Trong năm 2019, sẽ có 70 cán bộ được Vinacomin cử sang Nhật học tập.

Trong khi đó, với Dự án Hợp tác khảo sát thăm dò, đến hết năm 2018, Vinacomin và các đối tác Nhật Bản đã triển khai 7 dự án khoan thăm dò tại nhiều công ty than với 71 lỗ khoan, tương ứng hơn 44.512m khoan nhằm đánh giá cấu trúc, đặc điểm địa chất của các vỉa than để xây dựng tài liệu, báo cáo địa chất phục vụ hoạt động khai thác.

Trong năm nay, Vinacomin và JOGMEC đã ký biên bản hợp tác khảo sát thăm dò tại khu vực Bắc Bàng Danh với 3 lỗ khoan với 1.385m khoan. Dự án được triển khai từ đầu tháng 10/2019.

Ở tầm vĩ mô, ông Takehiro Katsushi – Trưởng phòng than (Vụ Tài nguyên thiên nhiên, Cục Tài nguyên Năng lượng, METI) cho biết, hiện 90% nhu cầu than của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2018, Nhật bản đã nhập khẩu 189 triệu tấn than từ Việt Nam, Nga và Trung Quốc, chủ yếu là than Anthrasite – than chất lượng cao.

“Việt Nam có nguồn than Anthrasite khá phong phú và là nguồn cung rất quan trọng cho Nhật Bản” – ông Takehiro Katsushi nói và nhấn mạnh, việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, trực tiếp là giữa hai tập đoàn Vinacomin và JOGMEC là rất cần thiết.

Cụ thể hơn về triển vọng hợp tác giữa Vinacomin và JOGMEC trong thời gian tới, ông Ikeda Hajime - Phó Tổng giám đốc JOGMEC - cho biết, việc thăm dò, phát triển tài nguyên và sản xuất than một cách liên tục ở Việt Nam là điều cần thiết để duy trì nguồn cung than cho Nhật Bản. Vì vậy, trên cơ sở những hợp tác đã và đang thực hiện, trong thời gian tới, JOGMEC sẽ tiếp tục phối hợp với Vinacomin thực hiện các dự án khoan thăm dò, đánh giá cấu tạo địa chất và tình hình phân bổ vỉa than để xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến bền vững.

“Cùng với việc hỗ trợ đào tạo, JOGMEC sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao công nghệ về kỹ thuật và quản lý an toàn, kỹ thuật khai thác hầm lò… cho các đối tượng là quản lý mỏ, kỹ thuật viên, giám sát an toàn mỏ… của phía Việt Nam” - ông Ikeda Hajime khẳng định và cho biết thêm, JOGMEC cũng sẽ xem xét việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật phủ xanh dùng phương pháp thi công phun các loại đất ngậm hạt giống cho đối tác Việt Nam nhằm xử lý các bãi thải sau khai thác.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-hop-tac-viet-nhat-trong-nganh-than-126099.html