Tăng cường kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Bắc Giang và Lào Cai

Trong những năm qua, hai tỉnh Bắc Giang và Lào Cai đã tăng cường kết nối, hợp tác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương. Nhân Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ tại Lào Cai, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường hợp tác, kết nối trong việc thúc đẩy phát triển KT - XH hai tỉnh Bắc Giang - Lào Cai.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Bùi Thị Thu Thủy.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Bùi Thị Thu Thủy.

- Trước hết, bà đánh giá như thế nào về vai trò của Lào Cai trong sự kết nối với Bắc Giang để phát triển KT - XH?

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”, các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực KT - XH; nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông; lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực được phát huy; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy; đời sống của Nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện. Phần lớn các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW cơ bản được hoàn thành, trong đó, Bắc Giang và Lào Cai là hai trong số địa phương phát triển hàng đầu của khu vực, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với vị trí chiến lược, hạ tầng KT - XH ngày càng được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện; đặc biệt là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Cửa khẩu Quốc tế, cùng với tài nguyên du lịch phong phú, Lào Cai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng, là trọng điểm du lịch và là nơi trung chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hoạt động liên kết vùng đã được Bắc Giang đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, xuất - nhập khẩu và du lịch. Hai tỉnh Bắc Giang và Lào Cai đã chủ động xây dựng, lồng ghép liên kết vùng vào các hoạt động như khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp nông thôn, du lịch. Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đóng vai trò quan trọng trọng việc thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc nói chung và Bắc Giang nói riêng với Trung Quốc. Thực tế trong những năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất - nhập khẩu sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hai tỉnh Bắc Giang và Lào Cai đã chủ động phối hợp, trao đổi với một số địa phương phía Trung Quốc, qua đó đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo việc giao thương diễn ra thuận lợi. Nhờ đó, hàng hóa của Bắc Giang như một số sản phẩm công nghiệp, nông sản, đặc biệt là vải thiều được thông quan thuận lợi. Ngoài ra, hai tỉnh cũng đã có những hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp.

Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).

Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).

Dù đạt được nhiều kết quả, song hợp tác giữa Bắc Giang với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hợp tác giữa Bắc Giang và Lào Cai thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hợp tác giữa hai tỉnh chủ yếu trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ với trọng tâm là tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch.

Nguyên nhân là do kết nối giao thông còn hạn chế. Mặc dù có vị trí địa lý và hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, nhưng do quy luật phát triển lan tỏa, dẫn các tuyến giao thông huyết mạch của Bắc Giang và hầu hết các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ hướng tâm về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng (các tuyến cao tốc: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên…). Cùng với đó, sự liên kết về hạ tầng giao thông giữa các tỉnh trong vùng còn ở mức độ khiêm tốn, bởi quy mô các tuyến giao thông còn nhỏ hẹp và đây là “điểm nghẽn” trong hoạt động giao thương, liên kết vùng.

Hoạt động liên kết về văn hóa, du lịch giữa Bắc Giang với các tỉnh trong vùng nói chung và Lào Cai nói riêng còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Hiện, Bắc Giang chưa có các tour, tuyến du lịch nổi bật kết nối với các tỉnh lân cận trong vùng; nhiều yếu tố văn hóa mang tính bản sắc đặc trưng của vùng chưa được khơi dậy, khai thác hiệu quả.

Mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa giữa Bắc Giang với các địa phương trong vùng và với Lào Cai chưa được chú trọng. Hiện chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa nào của Bắc Giang có liên kết chuỗi với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các nông sản chủ lực của Bắc Giang mới chỉ hướng tới thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn là Hà Nội, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố phía Nam.

Nguyên nhân chính là do liên kết giữa các địa phương trong vùng nói chung, Bắc Giang và Lào Cai nói riêng còn yếu. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đang thiếu một cơ chế đủ mạnh có vai trò điều tiết chung bảo đảm sự phát triển bền vững toàn vùng. Hạ tầng giao thông kết nối vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế.

- Bắc Giang có những lợi thế gì trong phát triển KT-XH và trong mối liên kết với tỉnh Lào Cai - địa phương có vị trí “cầu nối” quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thưa bà?

Những năm gần đây, Bắc Giang luôn là điểm sáng về phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó, năm 2020 đạt 13,02%; 6 tháng năm 2022 đạt 24,03%, đứng đầu toàn quốc. Quy mô GRDP của tỉnh đạt khoảng 6,5 tỷ USD, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân/người đạt gần 3.000 USD. Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ðến nay, tỉnh đã có trên 1.800 dự án đầu tư, tổng số vốn xấp xỉ 11 tỷ USD.

Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi và dư địa cho phát triển. Cụ thể, về vị trí địa lý, Bắc Giang thuộc vùng Thủ đô; nằm trên Hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc); liền kề các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung tiềm lực khoa học - kỹ thuật, đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học - công nghệ, thu hút đầu tư của cả nước.
Về hạ tầng giao thông, Bắc Giang có đủ 3 loại hình đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; với nhiều tuyến giao thông huyết mạch của cả nước gồm cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, các Quốc lộ: 37, 31, 17, 279… gần Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng, Cái Lân, gần Cửa khẩu biên giới Hữu Nghị - Lạng Sơn...

Về đất đai, quỹ đất của Bắc Giang lớn, địa hình phong phú (gồm cả địa hình đồng bằng, trung du, miền núi) có tiềm năng phát triển đồng đều công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Về nguồn nhân lực, Bắc Giang có lợi thế cả về số lượng (1,84 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động gần 1,2 triệu người) và chất lượng (tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%).

Về văn hóa, Bắc Giang là vùng đất cổ nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc, có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa được UNESCO công nhận, có khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử gắn với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…

Trong khi đó, Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, vai trò là “cầu nối” quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ của Việt Nam với các nước ASEAN, cùng với các điều kiện về giao thông, nguồn tài nguyên khoáng sản, tiềm năng du lịch… nên Lào Cai có điều kiện phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững, trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Bắc Việt Nam và có tác động lan tỏa ra các vùng lân cận.

Một khu công nghiệp lớn ở Bắc Giang.

Một khu công nghiệp lớn ở Bắc Giang.

- Vậy trong thời gian tới, dự kiến Bắc Giang sẽ phối hợp, kết nối với Lào Cai trong một số lĩnh vực nào để phục vụ phát triển KT - XH của hai tỉnh?

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, trong thời gian tới, Bắc Giang và Lào Cai cần cùng với các tỉnh trong vùng tập trung cao cho công tác quy hoạch; hoàn thiện, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh và quy hoạch tổng thể của vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản, nguồn nước… bảo đảm phát triển bền vững toàn vùng. Đề nghị Trung ương chỉ đạo xây dựng một cơ chế điều tiết chung toàn vùng nhằm định hướng mang tính chiến lược, sát hợp với điều kiện thực tiễn, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời tăng tính gắn kết, phát triển tổng thể toàn vùng.

Đề nghị Trung ương dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư, hỗ trợ các địa phương trong vùng để phát triển xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; xây dựng mô hình phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết giữa các tỉnh, tránh chồng chéo về quy hoạch vùng nguyên liệu, bảo đảm tính gắn kết cao giữa các địa phương. Đề nghị Trung ương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương huy động, sử dụng nguồn lực của địa phương để đầu tư phát triển hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch do Trung ương quản lý, nhưng không đủ nguồn lực để bảo trì, mở rộng, nâng cấp.

Tiếp tục có cơ chế phối hợp thúc đẩy các nội dung đã hợp tác giữa hai tỉnh như tiêu thụ nông sản, liên kết phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp, nguyên vật liệu cho phát triển công nghiệp…

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359759-tang-cuong-ket-noi-tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-hai-tinh-bac-giang-va-lao-cai