Tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp

ĐBP - Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng nhóm hàng vật tư nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân; giảm thiểu vi phạm trong lĩnh vực này, bảo vệ sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng huyện Điện Biên Đông phối hợp kiểm tra việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện (Ảnh chụp tháng 6/2021).

Hiện nay cơ bản các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt các quy định sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa đảm bảo các điều kiện; tình trạng vi phạm nhãn mác, hàng hóa vật tư nông nghiệp còn xảy ra. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc lựa chọn vật tư nông nghiệp. Khuyến cáo người dân nên mua ở những cơ sở đã được cơ quan quản lý Nhà nước công bố, chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Khi có bất kỳ thông tin phản ánh hoặc nghi ngờ các vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, người dân nên báo cho cơ quan chức năng xử lý.

Đầu tháng 4/2021, qua thanh tra tại Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp TP. Điện Biên Phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng nhập khẩu, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hiện 2 sản phẩm phân bón của đơn vị vi phạm về nhãn mác, ghi không đủ, không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, đối với sản phẩm phân bón NPK 5.10.3+TE Bảo Lâm trên nhãn không có thông tin về loại phân bón; thiếu thành phần độ ẩm, thừa thành phần nguyên tố trung, vi lượng khác; hướng dẫn sử dụng trên nhãn thừa cây trồng (mía, cao su); thừa thông tin với lúa lai và lúa xuân (tăng thêm 5kg/sào); không có lượng phân bón cụ thể cho cây rau, cây ăn quả so với quyết định công nhận phân bón lưu hành ở Việt Nam. Đối với phân bón hữu cơ vi sinh Huđavil-Tiến Hiếu vi phạm việc hướng dẫn sử dụng trên nhãn lượng phân bón lúa, ngô và cây ăn quả.

Tương tự, qua thanh tra đối với Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà tại huyện Điện Biên, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng phát hiện 3 sản phẩm phân bón vi phạm các quy định về nhãn mác. Điển hình như sản phẩm phân bón đa yếu tố NPK 5.10.3 vi phạm về việc trên nhãn ghi thừa thành phần SiO2 (12%), Cao (6%), Mgo (1%), S (2%); thiếu thành phần độ ẩm; không có thông tin về loại phân bón; hướng dẫn sử dụng phân bón thiếu nội dung theo quy định. Sản phẩm phân bón lót NPK 5.10.3.8S, trên nhãn không có thông tin về chủng loại; thiếu thông tin về độ ẩm; hướng dẫn sử dụng thừa đối tượng cây trồng (khoai tây, cà chua, cải bắp, dưa hấu, dưa chuột…) so với quy định.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức 3 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch; thành lập 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng; các cơ sở nuôi động vật hoang dã; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Kết quả thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức vi phạm với tổng số tiền 8 triệu đồng; trong kiểm tra đã ban hành 87 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân.

Để nâng cao chất lượng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại cho người dân do sử dụng vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nâng cao trách nhiệm khi buôn bán mặt hàng này; người dân nên mua vật tư nông nghiệp tại các cửa hàng kinh doanh cố định, hợp pháp, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/190052/tang-cuong-kiem-soat-chat-luong-vat-tu-nong-nghiep