Tăng cường kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ngay sau Tết Nguyên Đán 2022
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ VHTTDL đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức, quản lý các lễ hội văn hóa đặc biệt là các lễ hội dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022.
Tăng cường công tác chỉ đạo
Nhằm tạo không khí phấn khởi đón chào năm mới Nhâm Dần năm 2022, thiết thực chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022), thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố đã tham mưu, ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, phân công các Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình mừng Đảng - mừng Xuân đảm bảo yêu cầu, quy mô, nội dung, hình thức phù hợp tình hình dịch Covid-19 để phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo an toàn cho người dân trong các hoạt động vui Xuân, đón Tết.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành các văn bản triển khai hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động trên từng lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với tình hình diễn biến theo cấp độ dịch tại địa bàn quản lý; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, cụ thể: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố như: Cao Bằng, Quảng Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hà Nam, Tp Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân - Nhâm Dần năm 2022; chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành, các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tổ chức lễ hội, ban hành theo thẩm quyền kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao du lịch phục vụ Tết Nguyên đán, mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần - 2022 (Nam Định, Bến Tre, Hòa Bình, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện Biên, Lai Châu, Đồng Tháp, Quảng Bình, An Giang, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Tiến Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Bình Thuận, Vĩnh Long, Hải Dương, Cao Bằng, Thanh Hóa...); hướng dẫn công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong Quý I năm 2022.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các địa phương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội tại các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Thành phố Hà Nội dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 như Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 5 tháng giêng); Lễ hội chùa Hương (mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội Cổ Loa (mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh (mùng 6 tháng Giêng). Lễ hội chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2022 Ban Tổ chức chỉ cử hành phần lễ, không tổ chức phần hội.
Tỉnh Bắc Ninh đóng cửa và tạm dừng tiếp đón khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho từ ngày 5/2/2022 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần), được mở lại từ (9/2) sau 4 ngày đóng cửa; tiếp tục dừng tổ chức hội Lim năm thứ 3 liên tiếp, ngoài hội Lim, lễ hội tán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích sẽ chỉ tổ chức các phần lễ trong các khu thờ tự...
Từ trước Tết Nguyên đán, tỉnh Nam Định đã có văn bản về việc không tổ chức các lễ hội xuân. Vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch, Đền Trần sẽ không mở cửa đón khách. Nghi lễ khai ấn vẫn sẽ được diễn ra dưới sự thực hiện của các cụ cao niên họ nhà Trần, nhưng sẽ không có bất kỳ một đại biểu nào, kể cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Nam Định tham dự. Dù không tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần, nhưng để đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh của người dân, nhà đền vẫn sẽ phát ấn sau ngày 15 tháng Giêng. Tuy nhiên, việc phát ấn không được thực hiện rộng rãi ở các khu vực nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày và đền Trùng Hoa như trước, mà bố trí ra một khu riêng biệt trong khu di tích, bảo đảm an toàn phòng dịch. Ngoài ra, ấn Đền Trần chủ yếu được gửi theo đường bưu điện cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký từ trước.
Lễ hội Tịch Điền (tỉnh Hà Nam) năm 2022 tổ chức phần Lễ với quy mô gọn song vẫn đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức truyền thống.
Tỉnh Quảng Ninh: Ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức lễ khai Xuân để người dân, phật tử thập phương về chùa du xuân, lễ Phật, không tổ chức phần Hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch
Sau Tết Nguyên đán, dự báo lượng người dân đi lễ hội tăng, Bộ VHTTDL (Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở) sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở địa phương.
Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 07 tháng 01 năm 2022; Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 đặc biệt là các văn bản, đề án trong Quý I năm 2022.
Tăng cường kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ngay sau Tết nhằm kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương, đề xuất giải pháp.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể kiểm tra hoạt động vui chơi giải trí mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần và công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, cổ động, triển lãm có nội dung phong phú, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ VHTTDL đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS ngày 07 tháng 01 năm 2022 về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 01 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương thực hiện công tác chỉ đạo và tổ chức lễ hội phù hợp theo Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD- BVHTTDL ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch"; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an toàn sông nước, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh./.