Tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất
Chúng ta vừa hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7.
Nhìn chung, các lĩnh vực quản lý nhà nước từ bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cấp nào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược và giữ vai trò kiến tạo, cấp nào triển khai chính sách, pháp luật vào cuộc sống.
Tuy vậy vừa qua, qua ghi nhận báo cáo bước đầu của một số bộ, ngành cho thấy: Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi công vụ cho thấy có tình trạng không ít cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm, gây ách tắc, chậm tiến độ công việc.
Nhìn rộng hơn, tinh thần, thái độ phục vụ, sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương mới cần được xem là thước đo đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ, là một trong những biểu hiện đầu tiên và cơ bản của một nền quản trị công chuyên nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ những hạn chế còn tồn tại cần khắc phục, nhất là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị ý thức chưa cao, vẫn có dấu hiệu trì trệ, không bảo đảm tiến độ công việc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tập thể, của bộ và ngành nội vụ. Kiên quyết sàng lọc, cơ cấu lại đội ngũ, loại bỏ bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc đủng đỉnh, không tận tâm, không tận lực theo đúng phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra, quy định hầu hết bộ, sở, ngành không thực hiện chức năng thanh tra và thay bằng tăng cường công tác kiểm tra. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy phương thức kiểm tra tại nhiều nơi tiến hành sơ sài, mang tính hình thức, chưa chú trọng việc chấp hành các quy định trong thực thi công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Có nơi có tổ chức nhiều cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, song kết quả kiểm tra không phát hiện ra các hành vi thiếu sót, vi phạm hoặc có nơi xử lý hành vi thiếu sót, vi phạm chủ yếu mang tính hình thức như nhắc nhở, phê bình, rút kinh nghiệm. Những vi phạm nhỏ nếu không được chấn chỉnh kịp thời và nghiêm minh rất dễ tích tụ thành vi phạm lớn và nghiêm trọng.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện thể hiện tư duy đổi mới nhằm hướng đến quản trị địa phương hiện đại, kiến tạo phát triển, đi cùng với đó thì công tác chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương không chỉ trên văn bản hoặc chỉ qua phổ biến tại các cuộc họp mà cần có thực tiễn sâu sát.
Một trong những việc quan trọng cần làm thường xuyên, liên tục là tăng cường đột xuất, không làm việc thời gian dài, sâu, kỹ như các cuộc kiểm tra hành chính, kiểm tra chuyên đề, nhưng phải phát hiện, đánh giá được thực trạng nhiều vấn đề trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và các lĩnh vực công tác chuyên môn, quản lý. Qua đó giúp thấy được thực trạng công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, thấy được những hạn chế còn tồn tại của lãnh đạo, thiếu sót của công chức, thấy được những mặt công tác chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức, thậm chí còn lơ là, chủ quan.
Làm tốt nhiệm vụ nêu trên sẽ giúp thủ trưởng đơn vị nắm được tình hình, thực trạng cấp dưới và đơn vị, cá nhân được kiểm tra cũng có ngay các biện pháp khắc phục, có hướng giải quyết sớm trước khi các vấn đề hạn chế, thiếu sót nhiều lên, nặng hơn thành sai phạm sẽ rất khó hoặc không thể giải quyết.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-kiem-tra-cong-vu-dot-xuat-post893500.html