TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT KỶ CƯƠNG, CÁ THỂ HÓA TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, các đại biểu cho rằng cần tăng cường kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cần kiên quyết trả lại hồ sơ những dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc quá chậm về thời gian trình so với quy định.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh chỉ rõ, do tính dự báo của các cơ quan lập chương trình chưa cao, chưa sát với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, hầu như đều dựa vào yếu tố chủ quan của các cơ quan liên quan ở thời điểm lập chương trình, trong khi cuộc sống thì luôn biến động, thay đổi, dẫn đến tình trạng điều chỉnh chương trình, bổ sung, rút, hoãn các dự án luật, pháp lệnh xảy ra thường xuyên và gần như là một sự tất yếu. Có ý kiến cho rằng tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là gửi trình hồ sơ dự án chậm so với quy định, các cơ quan Quốc hội thường gọi là tình trạng "bắc nước chờ gạo" đã trở thành căn bệnh kinh niên, chưa có thuốc chữa.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Phân tích kỹ hơn về thực tiễn dự báo và lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ rõ, theo Nghị quyết số 80/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 thì trong năm 2023 Quốc hội sẽ xem xét 15 dự án, gồm thông qua 12 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 2 dự án luật. Đến nay các cơ quan lại trình Quốc hội bổ sung 16 dự án, dự thảo, gồm 12 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết vào chương trình năm 2023. Như vậy, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số lượng dự án đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, theo Phụ lục 3 kèm theo Tờ trình số 476 ngày 19/5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có 6/28 dự án dự thảo đề nghị đưa vào chương trình năm 2023 và năm 2024 nhưng không có trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn, đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào chương trình năm 2024 và năm 2025.

Bên cạnh hạn chế về tính dự báo trong đề xuất, lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dẫn đến phải điều chỉnh thường xuyên, một hạn chế khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là việc chậm trình hồ sơ tài liệu dự án luật không bảo đảm đúng quy định về thời gian.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội tới nay một số dự án luật công tác chuẩn bị và gửi hồ sơ dự án luật đến các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội rất chậm, có trường hợp khi các Ủy ban Quốc hội đã tổ chức hội nghị thẩm tra vẫn chưa có dự thảo luật và hồ sơ kèm theo, chính vì vậy các Ủy ban phải hoãn hội nghị thẩm tra. Việc tài liệu gửi đến các đại biểu Quốc hội chậm khiến cho đại biểu Quốc hội không có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng và chất lượng tham gia thẩm tra các dự án luật chưa được cao như mong muốn.

Trước thực tế việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh đưa vào, rút ra còn nhiều so với chương trình chính thức còn cao, diễn ra nhiều năm và khá phổ biến, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu vấn đề phải chăng ngoài yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung, còn có nguyên nhân do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện. Việc một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn thường rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng chỉ rõ.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, dường như câu chuyện làm luật vẫn còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được trẻ hóa, một số dự án luật mới ban hành 2 đến 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung. Đó là những vấn đề biết rồi, khổ lắm, nói mãi mà chưa có liệu pháp chữa trị một cách dứt khoát. Xem ra căn bệnh này ngày càng trầm kha. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát, căn cơ, không né tránh, không nể nang, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Đi sâu phân tích cho những tồn tại, hạn chế trong công tác lập pháp thời gian qua, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng cần xem xét Quốc hội đã thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong công tác lập hiến, lập pháp chưa? Tại sao Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong công tác lập hiến, lập pháp mà vẫn có tình trạng luật ban hành nhưng vẫn phải có các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hướng dẫn thì mới thực hiện được? Cách xây dựng pháp luật hiện nay được thể hiện trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện đúng tinh thần Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất về lập hiến, lập pháp chưa? Nếu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực sự tối ưu thì tại sao tuổi thọ của nhiều đạo luật chỉ có trên dưới 10 năm,

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, nếu tiếp tục tư duy lập pháp hiện nay theo hướng cơ quan nào chủ trì dự thảo luật sẽ trình dự luật đó cho Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm thì sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo và vẫn có việc bị động. Do đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa, ở chỗ những cơ quan nào vi phạm về thời gian là dừng không đưa ra Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị Quốc hội cần có tính toán thêm về việc sẽ quyết định cho các cơ quan nào, tổ chức nào và cá nhân nào tham gia Ban soạn thảo dự thảo các đạo luật. Đồng thời, cần phải có kế hoạch xây dựng pháp luật trong cả nhiệm kỳ và khi điều chỉnh xây dựng pháp luật hàng năm theo kế hoạch cần phải giải trình một cách thấu đáo, thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chỉ rõ thực tiễn cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện thì đem lại nhiều kết quả rất khác nhau. Từ hạn chế nêu trên sẽ dẫn đến những sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành pháp luật và đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, tệ tham nhũng, lãng phí. Để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc xây dựng chính sách pháp luật của các dự án luật phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua chương trình.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua chương trình, đồng thời cũng phê chuẩn các chính sách do Chính phủ đề xuất và từ đó thì có điều kiện để giám sát việc luật hóa các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được sát hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.

Bàn thêm về các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ cải tiến trong hoạt động lập pháp, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc khởi xướng chính sách và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các dự án luật.

Dẫn lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ ngay từ kỳ họp này, khi thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các giải pháp phải yêu cầu người nào, tổ chức nào khởi xướng chính sách, đề xuất các dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Nhà nước về tính hiệu quả của nó và phải bắt đầu ngay từ những dự án luật vừa mới đề nghị bổ sung vào. Phải đưa vào kỷ cương lập pháp và phải bắt đầu ngay từ kỳ họp này, xác định cam kết trách nhiệm để Quốc hội yên tâm thảo luận thông qua./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76108