Tăng cường phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng
Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới năm 2023, Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Sáng 22/12, tại Hội nghị tổng kết chương trình chống lao Quốc gia năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024, TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, năm 2023, chương trình chống lao đã có nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm 2023 là năm bản lề quan trọng trong chương trình chống lao quốc gia, đánh dấu việc chúng ta đã đi một nửa chặng đường triển khai chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2021-2025; và là năm kết thúc chu kì triển khai của dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2021-2023. Trong năm 2023, Chương trình chống lao quốc gia đã bảo vệ thành công, đề xuất viện trợ và đang hoàn thiện các thủ tục phê duyệt triển khai dự án Quỹ toàn cầu phong, chống lao giai đoạn 2024-2026.
“Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà chương trình chống lao và của các tỉnh, thành phố đã đạt được trong năm 2023. Hi vọng rằng, sau hội nghị, chúng ta sẽ tổng kết và đề ra những phương án, giải pháp thích hợp nhất trong công tác phòng, chống bệnh trong năm 2024”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023, hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến Covid-19. Điều này đã giúp cải thiện những tác động tiêu cực của đại dịch đối với số người chết và mắc lao trên toàn cầu. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau Covid-19, và mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn đang hoàn toàn bị chậm tiến độ.
Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995, cao hơn mức trước Covid-19.
Trên toàn cầu, trong năm 2022, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong. Con số này đã giảm so với ước tính trước đó của tổ chức y tế thế giới là 1,4 triệu người trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, mức giảm về số ca tử vong do lao trên toàn cầu từ năm 2015-2022 là 19%, còn rất xa với cột mốc trong Chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO là giảm 75% vào năm 2025.
Tại Việt Nam, theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới năm 2023, Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2023 là 78.674 bệnh nhân. Về hoạt động lao kháng thuốc, theo báo cáo, đến hết tháng 9/2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 2.764 và thu nhận 2.606 người vào điệu trị. Như vậy, việc phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế cho thấy rõ hiệu quả.
Được biết, hiện nay, Chương trình chống lao đã triển khai hoạt động phát hiện, chẩn đoán lao trên toàn bộ mạng lưới y tế cơ sở. Khi người dân đến khám bệnh ban đầu sẽ kèm theo sàng lọc lao. Bên cạnh đó, phát hiện lao kèm theo phát hiện bệnh phổi, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư phổi….
Hiện ở 63 tỉnh thành phố trên cả nước đều có bệnh viện phổi và hệ thống của Chương trình chống lao, do đó tất cả bệnh nhân ở các tỉnh thành đều được theo dõi, giám sát. Tuy nhiên trong thời gian tới nhằm tăng cường phát hiện và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến của Chương trình chống lao sẽ lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động phòng chống lao.
Đặc biệt, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong công đồng, đưa vào điều trị sớm nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.
Năm 2023, công tác phòng chống lao đã có một số kết quả tích cực: Chương trình chống lao đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.
Bên cạnh đó, năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.