Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con người Việt Nam ở nước ngoài về các chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính liên quan. Đây là nội dung chính được đề cập đến tại Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức chiều 26-10 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, xuất phát từ tính chất đặc thù là những người có mối quan hệ gắn bó với quê hương, có các quyền và lợi ích liên quan tại Việt Nam, do đó, môi trường pháp lý đối với người Việt Nam ở nước ngoài rất đa dạng song không kém phần phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc hiểu biết và nắm vững các quy định pháp lý nhằm vừa thực thi, vừa bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam không ngừng gia tăng.

 Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo.

“Triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, nhà ở, đất đai….”, ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con kiều bào, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật do các quy định liên quan nằm rải rác trong các văn bản pháp luật; việc phổ biến, triển khai thực hiện đôi khi chưa đồng bộ và thống nhất; còn có cách hiểu và áp dụng các quy định khác nhau…

Bà Ngô Bích Ngọc, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hà Lan, cho biết nhu cầu hỗ trợ pháp lý của cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan rất lớn.

Bà Ngô Bích Ngọc, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hà Lan, cho biết nhu cầu hỗ trợ pháp lý của cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan rất lớn.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Tăng Tuấn Tú, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Anh cho biết, hiện nay có khoảng 110.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Anh, trong đó có 15.000 du học sinh. Theo ông Tú, người Việt Nam ở Anh có cơ hội được nhận được hai quốc tịch. Tuy nhiên, trẻ dưới 14 tuổi lại chưa được hưởng quyền lợi này. Do đó, ông Tú mong muốn quyền lợi và lợi ích chính đáng của bà con kiều bào cần phải được bảo đảm.

Các ý kiến của đại diện kiều bào ở Hà Lan, Nga, Australia, Nhật Bản, Séc cũng nêu rõ những khó khăn của người Việt Nam liên quan tới các thủ tục hành chính về quốc tịch, căn cước công dân, quyền thừa kế,… “Nhiều bà con kiều bào có nhu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về các chính sách, pháp luật và giải đáp thắc mắc. Đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của bà con và việc hỗ trợ pháp lý do cộng đồng người Việt cả ở trong và ngoài nước cũng được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Cần sự chung tay, hỗ trợ của các luật sư

Tại hội thảo, Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài rất mong muốn và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Đó có thể là những vấn đề liên quan đến nhu cầu hồi hương, đầu tư về nước, quan hệ tài sản, thừa kế,... trong nước cũng như các điều kiện cư trú, quốc tịch, kết hôn, ly hôn, quyền sở hữu tài sản, lao động, kinh doanh... tại quốc gia sở tại. “Từ trước tới nay, các vấn đề này thường được giải quyết thông qua tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, sách báo và việc cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí của các tổ chức hành nghề luật sư mà chưa có sự thống nhất, đồng bộ về phương thức thực hiện cũng như đối tượng thụ hưởng”, luật sư Huỳnh Phương Nam nhấn mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu này, Đoàn luật sư Hà Nội đã đưa ra sáng kiến về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động gắn với chức năng nghề nghiệp của luật sư và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo luật sư Huỳnh Phương Nam, mặc dù có rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, nhưng với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự chung tay phối hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ từng bước thành công, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tang-cuong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-748751