Tăng cường phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Thanh tra cùng cấp
Ngày 1/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị. Tham dự có thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã phát huy tác dụng, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần tăng cường quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quan điểm, nội dung sửa đổi như dự thảo Luật trình lần này chưa thể hiện đầy đủ tinh thần, nội dung của Hiến pháp 2013 và đường lối của Đảng về kiểm soát quyền lực Nhà nước.
“Theo tờ trình, dự thảo Luật mới chỉ là góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước. Từ mục đích hoạt động thành tra (Điều 3), chức năng của cơ quan thanh tra (Điều 5) đến nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra của Tổng cục, cục cũng như Thanh tra tỉnh, huyện đều không có quy định về kiểm soát quyền lực Nhà nước trong nội bộ các cơ quan thực hiện quyền hành pháp.”, ông Đường đặt vấn đề.
Do đó, nhiều điều luật như các điều quy định về mục đích thanh tra, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, huyện cũng như các quy định về trình tự thủ tục thanh tra... trong dự thảo Luật đều phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chức năng hàng đầu của Thanh tra là kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Đóng góp tại Hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật kiến nghị, trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần thiết phải bổ sung các nguyên tắc và có quy định nhằm phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động thanh tra.
Ông Thường dẫn chứng: Theo quy định của pháp luật hiện hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hoạt động giám sát, Thanh tra Chính phủ có hoạt động thanh tra, đều có cùng mục đích là phát hiện những sơ hở, thiết sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp khắc phục, xử lý vi phạm và thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.
Theo đó, việc phối hợp công tác giữa bên sẽ tạo nên sức mạnh của cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; cùng với giám sát, kiểm tra của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, chất lượng, mang tính phản biện, tập trung vào nhiều nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân... đã được các đại biểu nêu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, hầu hết ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi). Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này cần bảo đảm quan điểm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nhấn mạnh Luật Thanh tra hiện hành và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa đề cập đến vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động thanh tra, ông Lê Tiến Châu khẳng định, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định rõ chức năng, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc đã có giám sát đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, ông Lê Tiến Châu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định về vai trò của nhân dân, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động của Thanh tra; đồng thời có sự tham gia, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Thanh tra cùng cấp trong hoạt động thanh tra.
Theo ông Lê Tiến Châu, cần bổ sung quy định về giám sát của Mặt trận đối với hoạt động thanh tra để có thêm biện pháp giám sát mang tính xã hội, từ đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tượng thanh tra, góp phần kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực trong hoạt động thanh tra.