Tăng cường phối hợp phòng chống thiên tai
ĐBP - Tỉnh Điện Biên có địa hình đồi núi hiểm trở, bị phân cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối, độ dốc lớn; lớp phủ thảm thực vật thấp; khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường. Thời gian qua, tình hình thiên tai trên địa bàn diễn biến phức tạp, cực đoan, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là vào mùa mưa, trong đó cao điểm là từ tháng 6 đến tháng 8 mưa lớn kéo dài kết hợp với địa hình, địa chất rời rạc dẫn đến lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Lực lượng thường trực thuộc Bộ CHQS tỉnh ra quân huấn luyện PCTT&TKCN. Ảnh: Đức Hạnh
Nhằm chủ động phòng chống, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai, hàng năm Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó. Trong đó, mỗi đơn vị phát huy sự chủ động, sáng tạo đồng thời tăng cường công tác hợp, hiệp đồng chặt chẽ.
Những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Các đơn vị quân đội đã chủ động nắm, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập; duy trì các chế độ ứng trực và phối hợp với các lực lượng khác xử lý tình huống kịp thời. Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; điều chỉnh, bổ sung kịp thời các phương án phù hợp với đặc điểm địa bàn. Đồng thời căn cứ vào đặc điểm địa bàn, điều kiện khí tượng thủy văn, các đơn vị tổ chức huấn luyện cho bộ đội nắm chắc kế hoạch, phương án ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Năm 2020, các đơn vị lực lượng vũ trang đã huy động gần 200 lượt cán bộ thường trực, dân quân; 6 tháng đầu năm 2021 đã huy động hơn 220 lượt cán bộ thường trực và dân quân tham gia khắc phục hậu quả lốc xoáy, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Đối với lực lượng công an, Công an tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và của tỉnh trong công tác PCTT&TKCN. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng cho công tác ứng phó. Khi có thiên tai xảy ra, Công an tỉnh đã kịp thời điều động cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ kịp thời các địa phương và Nhân dân khắc phục hậu quả; dọn dẹp, vệ sinh các trường học bị ngập lụt… Đặc biệt là công tác phối hợp với các lực lượng khác kiểm soát, phân luồng giao thông tại các điểm bị sạt lở trên các tuyến đường đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Trên địa bàn biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thời tiết, sự cố xảy ra trên địa bàn mình quản lý, kịp thời điều động cán bộ chiến sĩ tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống. Khu vực biên giới thường xảy ra giông lốc, mưa đá, lũ ống, bộ đội biên phòng vừa tham gia khảo sát tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai vừa huy động quân y phối hợp địa phương cấp phát thuốc phòng bệnh, thực hiện vệ sinh khu dân cư.
Ngành Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại xây dựng kế hoạch và chủ động dự trữ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch… 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa trị giá gần 30 tỷ đồng gồm các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực thực phẩm, nước uống đóng chai, xăng dầu, tôn lợp, dây thép… sẵn sàng phân bổ, đưa vào sử dụng tại các địa bàn trong mọi điều kiện thời tiết, đáp ứng kịp thời khi xảy ra thiên tai.
Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai. Xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN trước mùa mưa lũ. Chủ động nắm bắt những diễn biến của thời tiết, thủy văn; rà soát các địa bàn có nguy cơ rủi ro cao để xây dựng phương án “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình.
Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó khả năng chống chịu của hạ tầng nói chung, hệ thống công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là sức chống chịu của nhà ở của nhiều hộ dân chưa đáp ứng trước sự tàn phá của thiên tai; định mức hỗ trợ kinh phí còn thấp. Do đó, các cơ quan, ban, ngành, Nhân dân… cần nâng cao nhận thức, chung tay vào cuộc để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hạ do thiên tai gây ra. Cùng với đó cần có sự đầu tư xây dựng, bổ sung mạng lưới quan trắc đo đạc khí tượng thủy văn. Bởi công tác dự báo không chỉ cần độ tin cậy cao, mà còn phải có cảnh báo sớm từ đó có sự tư vấn và lập kế hoạch phòng tránh, giảm thiệt hại. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy PCTT&TKCN cần tính toán chặt chẽ, khoa học từ lập kế hoạch, tổ chức hiệp đồng, đến giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, trên từng địa bàn, trong từng tình huống. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, trong đó lực lượng tại chỗ xử lý ban đầu là chủ yếu, lực lượng chủ lực cơ động làm nòng cốt, bảo đảm đúng phương châm “4 tại chỗ”.