Tăng cường phòng chống buôn lậu thuốc lá để đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi

Dù các lực lượng chức năng rất quyết liệt trong việc ngăn chặn các hành vi buôn lậu thuốc lá, song với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách, lợi dụng các kẽ hở để đưa mặt hàng này vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì mức siêu lợi nhuận. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan liên quan trong việc nhanh chóng rà soát, nghiên cứu và tìm giải pháp căn cơ ngăn chặn triệt để nạn buôn lậu thuốc lá.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Đó là những nhận định chung của các đại biểu tham dự tọa đàm phòng, chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra do báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội.

Còn nhiều vi phạm

Phát biểu dẫn đề, Tổng biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, trong đó bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Tuy nhiên, tình trạng gia tăng hoạt động buôn lậu các sản phẩm này đang gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe cộng đồng, kinh tế đất nước và trật tự xã hội.

Buôn lậu thuốc lá từ lâu đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia. Thị trường thuốc lá bất hợp pháp đang gây thất thoát cho ngân sách nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; các đối tượng buôn lậu hoạt động với những thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, từ năm 2019, khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu tăng lên 75% đã khiến giá bán lẻ thuốc lá tăng mạnh, nạn buôn lậu thuốc lá đang trở thành hoạt động siêu lợi nhuận do “né” được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 2% Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá. Các đối tượng cũng vì thế luôn tìm đủ mọi thủ đoạn, phương thức để đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

 Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình thu giữ nhiều thùng thuốc lá nhập lậu.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình thu giữ nhiều thùng thuốc lá nhập lậu.

Tuy các lực lượng chức năng đã rất quyết liệt, ráo riết vào cuộc nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, song số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ thời gian qua được nhìn nhận chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.

Việc xử lý mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ, chưa bắt được tận gốc các đầu nậu, chủ đường dây, nên sau một thời gian cao điểm ngăn chặn, nạn buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn, nhất tại 10 tỉnh biên giới Tây Nam - một điểm nóng về buôn lậu thuốc lá.

Cụ thể, khu vực biên giới Tây Nam vẫn là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là địa bàn trọng tâm về buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn; khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt-Lào. Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse,...

Cùng với đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; kinh doanh hàng hóa (thuốc lá điếu do Việt Nam sản xuất) thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định; không niêm yết thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Thống kê của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 100 tỷ điếu thuốc lá, trong đó khoảng 20% là thuốc lá nhập lậu. Chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường cả nước trong năm 2024 đã tiến hành kiểm tra 1.474 vụ việc, xử lý 1.263 vụ vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đặc biệt, số lượng các vụ việc vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường lớn hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu truyền thống. Từ năm 2024 đến nay, với thuốc lá điếu truyền thống nhập lậu, lực lượng đã thu giữ, xử lý hơn 190 ngàn bao; trong khi đó, số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thu giữ hơn 240 ngàn sản phẩm các loại, cùng với khoảng gần 10 tấn phụ kiện, số tiền vi phạm hành chính hơn 6,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 29 tỷ đồng.

Tìm giải pháp hiệu quả đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá

Theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, việc xử lý thuốc lá nhập lậu chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ, chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động, buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng các hành vi buôn lậu thuốc lá, song lợi thế cạnh tranh về giá và mức siêu lợi nhuận vẫn là những yếu tố chính.

Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 100 tỷ điếu thuốc lá, trong đó khoảng 20% là thuốc lá nhập lậu. Chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường cả nước trong năm 2024 đã tiến hành kiểm tra1.474 vụ việc, xử lý 1.263 vụ vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hơn nữa, ý thức của người tiêu dùng về tác hại của hàng lậu còn thấp, cộng với tâm lý “giá rẻ là tốt” càng khiến thị trường ngầm phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu tăng lên 75% đã khiến giá bán lẻ thuốc lá tăng mạnh.

Cũng bởi vậy, buôn lậu thuốc lá trở thành hoạt động siêu lợi nhuận do “né” được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 2% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Do đó, các đối tượng luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

 Lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu.

Lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu.

Hiện nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang đề xuất phương án bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối (giữ nguyên mức thuế suất theo tỷ lệ 75%) với mức rất cao, tăng ngay 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng liên tục đến 2030 bảo đảm đạt 10.000 đồng/bao. Điều này chắc chắn sẽ tạo cú sốc cho thị trường thuốc lá Việt Nam, khiến tiêu thụ thuốc lá hợp pháp trong nước giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thuốc lá tại Việt Nam. Từ đó, có thể kéo theo các mục tiêu về tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam có thể sẽ khó đạt yêu cầu đề ra.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Nguyễn Chí Nhân cho biết, theo rất nhiều nghiên cứu, điều tra khoa học trên thế giới và Việt Nam đều cho các kết quả “cứ 10 người hút thuốc, có từ 6-9 người tái nghiện” và “những người đã bỏ thuốc được 2 năm thì có thể tiếp tục duy trì việc bỏ thuốc dễ hơn nhiều so với năm đầu tiên, với tỉ lệ tái nghiện giảm xuống chỉ còn 19%”.

Hoặc với “người đã cai thuốc lá có thể sẽ bị tái nghiện vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số người cai thuốc đều trải qua từ 2-5 lần thực hiện việc bỏ thuốc mới có thể thực sự bỏ hẳn được thuốc lá trong một thời gian dài hoặc vĩnh viễn”.

Điều này cho thấy việc tăng sốc thuế thuốc lá giúp đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc hoặc từ bỏ ngay là không thể thực hiện ngay trong khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt, khi giá bán sản phẩm thuốc lá hợp pháp “tăng sốc” nhưng trên thị trường luôn đang hiện hữu rất nhiều sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp nhập lậu không chịu tác động bởi thuế tiêu thụ đặc biệt có giá bán thấp hơn rất nhiều, thì với nhu cầu sử dụng thuốc lá hằng ngày, người tiêu dùng chắc chắn sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thuốc lá khác phù hợp với mức chi tiêu để đáp ứng nhu cầu.

Và như vậy, sản phẩm thuốc lá hợp pháp đã tự đẩy người tiêu dùng sang sử dụng thuốc lá bất hợp pháp một cách nhanh nhất do lợi thế rất lớn về mọi yếu tố cạnh tranh, đặc biệt là yếu tố giá rẻ. Thí dụ, hiện do né được mọi loại thuế nên lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá hiệu Jet hay Hero nhập lậu khoảng 10-12.000 đồng/bao (giá bán lẻ 20-25.000 đồng/bao), cao gấp 3 đến 4 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc. Nếu mức thuế mới được áp dụng, chắc chắn biên lợi nhuận của các sản phẩm này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh hơn trước.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các lực lượng chức năng như: Biên phòng, hải quan và công an, quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ hơn, tổ chức các đợt truy quét định kỳ và triệt phá các đầu mối lớn thay vì chỉ xử lý nhỏ lẻ. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp với các quốc gia láng giềng, kiểm soát chặt từ biên giới và tăng cường lực lượng kiểm soát chặt trên môi trường thương mại điện tử.

Ngoài ra, trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu thuốc lá, lực lượng chức năng cũng đang chủ động ứng dụng công nghệ, phối hợp giữa các đơn vị để siết chặt kiểm soát, đặc biệt trên không gian mạng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá sẽ ngày càng khó khăn nếu không có sự chung tay của cả xã hội, từ cơ quan chức năng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện do né được mọi loại thuế nên lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá hiệu Jet hay Hero nhập lậu khoảng 10-12.000 đồng/bao (giá bán lẻ 20-25.000 đồng/bao), cao gấp 3 đến 4 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc. Nếu mức thuế mới được áp dụng, chắc chắn biên lợi nhuận của các sản phẩm này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh hơn trước.

MINH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-phong-chong-buon-lau-thuoc-la-de-doi-pho-voi-nhieu-thu-doan-tinh-vi-post869474.html