Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A (H5N1) lây sang người
Hiện tỉnh Long An chưa ghi nhận ca mắc bệnh cúm gia cầm (CGC) độc lực cao A (H5N1) nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong điều kiện thời tiết đang chuyển mùa và thay đổi bất thường. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A (H5N1) lây sang người.
Nâng cao ý thức phòng bệnh
CGC độc lực cao A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virút cúm A (H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp; tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh; tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm cúm A (H5N1); ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín. Bệnh có biểu hiện: Sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh cho người.
Ngày 24/02/2023, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, theo thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế Thế giới và cơ quan đầu mối quốc tế của Việt Nam, tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm virút CGC độc lực cao A (H5N1), trong đó, có 1 trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh. Điều đáng chú ý là tỉnh Prey Veng có đường biên giới với Việt Nam.
Tỉnh tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1) (Trong ảnh: Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cúm A) (Ảnh TL: Phạm Ngân)
Do đó, Viện Pasteur TP.HCM có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc triển khai các biện pháp phòng, chống cúm A (H5N1). Cụ thể, tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virút tại tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt, chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng có dịch; kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ người ra/vào/ở vùng có dịch CGC A (H5N1); đồng thời, phối hợp đơn vị kiểm dịch động, thực vật giám sát gia cầm, động vật thủy sản vào Việt Nam qua cửa khẩu và đường mòn, lối mở.
Long An có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1359/UBND-VHXH, ngày 24/02/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh CGC độc lực cao A (H5N1).
Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 7007/KH-SYT, ngày 25/11/2022 của Sở Y tế về việc phòng, chống dịch cúm A nguy hiểm (H5N1, H7N9, H5N6) trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả;...”.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh kể cả trên gia cầm và trên người, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu. Bà Nguyễn Thị Thủy (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) chia sẻ: “Khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Đồng Tháp Mười, tôi được bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh, trong đó, có bệnh CGC độc lực cao A (H5N1) như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguồn gốc,...”.
Giám sát chặt chẽ
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm A (H5N1) và hạn chế lây lan trên quy mô rộng, Sở Y tế vừa tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại khu vực biên giới. Đoàn đến kiểm tra tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường).
Không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân (Ảnh minh họa)
Hiện công tác phòng, chống dịch được lực lượng liên ngành tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp thực hiện chặt chẽ bằng nhiều biện pháp. Các cán bộ Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người liên quan đến giết mổ, buôn bán gia cầm hoặc người đến từ các khu vực đang có dịch (gồm cả dịch trên gia cầm và ở người); thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt là các nước giáp ranh; báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được phát hiện tại cửa khẩu.
Cũng như các cơ sở y tế khác, BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười tích cực giám sát những trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1). Đặc biệt, lưu ý các trường hợp là người nhập cảnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (bao gồm cả dịch trên gia cầm và ở người), có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Giám đốc BVĐK khu vực Đồng Tháp Mười - Chung Văn Kiều cho biết: “BV đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị và phòng, chống dịch bệnh. Mục tiêu của kế hoạch là giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm lưu hành và các dịch bệnh như cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, tay - chân - miệng,... Đồng thời, BV xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống dịch bệnh; sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, môi trường lấy mẫu bệnh phẩm,... đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch”.
Bên cạnh đó, BV phối hợp Trung tâm Y tế thị xã Kiến Tường hỗ trợ về chẩn đoán, quản lý, báo cáo thống kê các ca bệnh; chuẩn hóa công tác phát hiện ca bệnh, công tác thu dung và điều trị kịp thời với phương châm “Định bệnh sớm, điều trị đúng”. BV củng cố và kiện toàn đội cơ động chống dịch, sẵn sàng khi có dịch xảy ra; tăng cường các hoạt động lâm sàng hỗ trợ công tác điều trị.
A (H5N1) là chủng virút cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch trong cộng đồng./.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.