Tăng cường phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền
Hiện nay, thời tiết nước ta đang bị ảnh hưởng mạnh bởi hiện tượng El Nino. Nền nhiệt trung bình tăng cao đi kèm với mưa bão là điều kiện thuận lợi cho muỗi và nhiều loại côn trùng gây hại sinh trưởng, phát triển mạnh, từ đó, gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên diện rộng.
Một trong những dịch bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra là dịch sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm khiến người mắc có thể bị giảm tiểu cầu nhanh chóng, xuất huyết, nhiễm trùng máu, suy đa tạng và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tại huyện Yên Lạc, thời gian qua đã ghi nhận 6 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 2 ổ dịch tại xã Tề Lỗ và xã Đại Tự. Tại 2 ổ dịch này, mỗi ổ dịch đến nay đã ghi nhận 1 ca mắc, chưa phát sinh thêm ca mắc mới.
Ngay khi phát hiện các ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi sát tình hình sức khỏe người bệnh, thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh; vận động người dân tại khu vực ghi nhận ca bệnh tăng cường vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi. Sau theo dõi 14 ngày, tại 2 ổ dịch này đều không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Tại thành phố Vĩnh Yên, nhận định tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế thành phố đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly, thu dung, điều trị kịp thời cho người bệnh và xử lý triệt để ổ dịch.
Trong năm 2023, thành phố xây dựng mô hình điểm phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Khai Quang. Triển khai mô hình này, tại các khu dân cư đều đồng loạt ra quân tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, đặc biệt tại các trường học và khu vực có nguy cơ cao; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng bệnh do muỗi truyền.
Cùng với dịch sốt xuất huyết, một số dịch truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi truyền gây ra là bệnh do vi rút Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn. Bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh sốt rét, viêm não Nhật Bản, bệnh do vi rút Zika, tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh vẫn là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát, hướng dẫn các đơn vị y tế xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh trên địa bàn; đảm bảo 100% ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm cũng tăng cường hỗ trợ các đơn vị y tế cơ sở trong quá trình tổ chức tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi đảm bảo triển khai đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn, hiệu quả; xây dựng, cung cấp tài liệu, thông điệp truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền cho các đơn vị, các địa phương để truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân biết và cùng tham gia thực hiện”.
Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7/2023 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Các bệnh viện phải thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, cơ sở y tế tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, không để xảy ra tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhân đông; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế cho công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng bệnh do muỗi truyền hiệu quả; đảm bảo các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời; tăng cường công tác vệ sinh môi trường; nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em…