Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa nắng

Theo nhận định của ngành chuyên môn, thời điểm nắng nóng kéo dài hiện nay là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh không có quá nhiều biến động, ngoại trừ hai dịch bệnh lưu hành tại địa phương là sốt xuất huyết và tay - chân - miệng. Trước tình hình đó, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Tính đến ngày 13-4-2021, toàn tỉnh có 86 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 40 ca so cùng kỳ, 33 ổ dịch, giảm 35 ổ dịch so cùng kỳ. Tại tỉnh Sóc Trăng ghi nhận song song 2 type huyết thanh vi rút Dengue, đây cũng là nguy cơ khiến cho số trường hợp mắc bệnh nặng gia tăng do tái nhiễm với chủng khác vi rút, đặc biệt là đầu năm 2021 đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở trẻ dưới 15 tuổi. Đồng thời, đến ngày 13-4-2021, toàn tỉnh ghi nhận 388 ca mắc tay - chân - miệng, tăng 341 ca so cùng kỳ, có 65 ổ dịch, tăng 62 ổ dịch so cùng kỳ; tỷ lệ mắc tay - chân - miệng độ nặng chiếm hơn 4,3%, tức là hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Các ca bệnh được theo dõi điều trị tích cực đến khi bình phục, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Ảnh: H.P

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Ảnh: H.P

Về tình hình tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám điều trị, trong đó có các bệnh nhi chưa có dấu hiệu tăng cao bất thường. Riêng tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh mỗi ngày khám khoảng 200 - 250 bệnh nhi. Bệnh tập trung nhiều là nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy cấp, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết… Riêng bệnh tay - chân - miệng nhập viện tăng so cùng kỳ. Đa số là ca bệnh nhẹ và được điều trị tích cực đến khi bình phục. Bệnh viện còn khuyến cáo các biện pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh cho trẻ.

Bác sĩ Huỳnh Chí Bình - Phó trưởng Khoa Nhiễm Nhi (Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh) thông tin: “Thời tiết nắng nóng khiến trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh đường hô hấp, bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da. Do đó, cần hạn chế ra ngoài khi không thật cần thiết, nếu phải ra đường cần đội mũ, đeo kính, khẩu trang… Uống nhiều nước, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, không để quạt gió thổi trực tiếp vào người. Ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng. Tăng cường vệ sinh cá nhân; thường xuyên lau sạch bề mặt vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tiêm chủng cho trẻ. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị”.

Về phía ngành chuyên môn đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tăng cường các hoạt động truyền thông rộng rãi trong cộng đồng, khuyến cáo người dân thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín; dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Từ đó, có tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố luôn theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tổ chức dập dịch chủ động, xử lý triệt để các ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và cơ số thuốc. Bác sĩ Dương Minh Trí - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú cho biết: “Đến ngày 13-4-2021, trên địa bàn huyện có 9 ca sốt xuất huyết, 62 ca tay - chân - miệng. Để xử lý, huyện tập trung triển khai phun hóa chất, xử lý ổ dịch. Sau khi xử lý, các ca bệnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, thời gian tới khi vào mùa mưa là điều kiện thích hợp cho muỗi phát triển, dẫn đến các bệnh lây qua trung gian truyền bệnh tăng cao. Cho nên thời gian tới trên địa bàn sẽ mở chiến dịch diệt lăng quăng đợt I năm 2021, phòng chống sốt xuất huyết, phun hóa chất phòng chống tay - chân - miệng, chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men để ứng phó với tình hình. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng”.

Song song đó, ngành y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế tại các địa phương biện pháp phòng, chống dịch bệnh phổ biến tại địa phương. Tăng cường công tác tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, gia tăng mức độ miễn dịch cộng đồng. Cũng theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời điểm hiện nay, người dân cũng cần chú ý phòng tránh bệnh dại do bị chó, mèo cắn. Trẻ nhỏ, người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh về da, các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

KGT

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-mua-nang-47029.html