Tăng cường phòng chống mua bán người

Mua bán người (MBN) đã và đang trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Tội phạm MBN đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Nhân Ngày Toàn dân phòng chống MBN (30/7), các sở, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống MBN.

Chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội hướng dẫn trẻ em cách xử lý khi bị xâm hại, tránh tình trạng trẻ bị bắc cóc, trở thành nạn nhân mua bán người - Ảnh: KIM CHI

Chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội hướng dẫn trẻ em cách xử lý khi bị xâm hại, tránh tình trạng trẻ bị bắc cóc, trở thành nạn nhân mua bán người - Ảnh: KIM CHI

Cảnh giác với các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo ra nước ngoài

Ông Nguyễn Nhàn, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Phú Yên cho biết: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh tổ chức các hình thức tuyên truyền giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống xâm hại tình dục và phòng chống MBN. Qua đó phản ánh các mặt hoạt động trên từng địa bàn, đặc biệt là các mô hình quản lý, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, chị em lầm lỡ, hoàn lương và phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về có hiệu quả.

Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng chống MBN. Ngày 3/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.

Cũng theo ông Nhàn, tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên nhiều địa bàn. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Phú Yên chưa tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nào là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, cộng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo bán ra nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm MBN mặc dù đã được kiềm chế, song vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài. Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trong nội địa từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát ép làm mại dâm; việc tuyển mộ, cưỡng ép lao động cực nhọc, bóc lột sức lao động tại các bãi khai thác khoáng sản... diễn biến phức tạp.

Trợ giúp khẩn cấp những trường hợp khó khăn

Trước thực trạng trên, để hoạt động phòng chống MBN đạt hiệu quả, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác phòng chống MBN.

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Tại Phú Yên, thời gian qua, cùng với tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, các sở, ban ngành cũng đã thường xuyên lồng ghép chương trình phòng, chống MBN với các chương trình kinh tế, xã hội khác như: Chương trình phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; đề án Phát triển nghề công tác xã hội. Đồng thời tổ chức tập huấn, tọa đàm, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ... Qua đó cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội các xã, phường, thị trấn được trang bị các kiến thức và kỹ năng trong công tác xã hội, giải quyết và đối phó các vấn đề xảy ra bất ngờ trong cuộc sống; trợ giúp khẩn cấp các đối tượng khi gặp khó khăn, đặc biệt là các đối tượng được quan tâm và trợ giúp như: chăm sóc giúp đỡ cá nhân, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người vô gia cư, người nghèo, người già, trẻ em mồ côi, phụ nữ và trẻ em bị mua bán từ nước ngoài trở về, các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm…, đưa ra các dịch vụ chăm sóc, phục hồi để giúp họ sớm trở về với gia đình và cộng đồng, có điều kiện ổn định cuộc sống.

Năm 2019, hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng chống MBN (30/7), Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Phú Yên đã tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của ngày này, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến tích cực về hành động trong toàn xã hội đối với công tác phòng chống MBN. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, xác lập hồ sơ điều tra cơ bản các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây, băng nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động MBN để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn. Sở LĐ-TB-XH chủ động triển khai bộ tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

“Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp nhận, bàn giao các trường hợp nạn nhân phụ nữ, trẻ em bị mua bán mới trở về (nếu có); phối hợp với gia đình của nạn nhân và chính quyền địa phương nơi nạn nhân ra đi để tiếp nhận, chăm sóc, quản lý và hỗ trợ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; lồng ghép với các chính sách hỗ trợ xã hội từ các chương trình, dự án khác. Đồng thời củng cố Cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội để đảm bảo nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân trong thời gian ở cơ sở, trung tâm”, ông Võ Văn Binh cho biết.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/225094/tang-cuong-phong-chong-mua-ban-nguoi.html