Tăng cường phòng, chống mua bán người trên không gian mạng
Sáng 28/7, hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước đã cùng tham dự Tọa đàm 'Kết nối hành động: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong công tác phòng, chống mua bán người'. Sự kiện nhấn mạnh những cam kết cụ thể của Việt Nam trong việc sử dụng công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn loại tội phạm ngày càng tinh vi trên không gian mạng.
Với sự tham gia của gần 250 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức Liên Hợp quốc, tổ chức quốc tế, chuyên gia an ninh mạng, thủ lĩnh thanh niên và các tổ chức xã hội, tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội nhằm tăng cường nhận thức cộng đồng về nguy cơ và xu hướng mới của tội phạm mua bán người, đặc biệt trên môi trường trực tuyến.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong phòng, chống mua bán người trên không gian mạng.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh tình trạng mua bán người tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau đại dịch COVID-19, Đông Nam Á trở thành điểm nóng với sự gia tăng của các tổ hợp lừa đảo trực tuyến do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia điều hành.
Theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), số nạn nhân được tổ chức này hỗ trợ sau khi bị mua bán vào các khu tổ hợp lừa đảo ở khu vực đã tăng gấp hơn 3 lần chỉ trong một năm, từ 296 trường hợp năm 2022 lên 978 trường hợp năm 2023.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang chuẩn bị đăng cai lễ ký Công ước Hà Nội, hiệp ước toàn cầu đầu tiên về chống tội phạm mạng. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các hành vi phạm tội sử dụng công nghệ, trong đó có nạn mua bán người.
Ngày Thế giới Phòng, chống Mua bán người (30/7) là lời nhắc nhở toàn cầu về tầm quan trọng của việc đấu tranh với loại tội phạm gây tổn hại nghiêm trọng tới nhân phẩm con người.
Chủ đề năm nay “Mua bán người là hoạt động tội phạm có tổ chức - Hãy cùng hành động để chấm dứt các hình thức bóc lột!” càng khẳng định sự cần thiết của một hệ thống pháp luật lấy nạn nhân làm trung tâm và hành động đồng bộ giữa các bên liên quan.
“Chúng ta cần cùng nhau khẳng định cam kết bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương như trẻ em và thanh thiếu niên; đồng thời triệt phá các mạng lưới tội phạm có tổ chức trong thời đại số hóa”, bà Tamesis nói.
Về phía Việt Nam, Đại tá Lê Hoàng Dương - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an khẳng định, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là bảo vệ quyền con người, trong đó đặc biệt coi trọng phụ nữ và trẻ em. Đại tá Lê Hoàng Dương nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác phòng ngừa và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở.
Một điểm sáng trong nỗ lực này là Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật được sửa đổi theo hướng lấy nạn nhân làm trung tâm, mở rộng phạm vi bảo vệ và nâng cao chế độ hỗ trợ, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đánh giá cao những bước tiến này, bà Mitsue Pembroke - Quyền Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi luật là một dấu mốc đáng chú ý, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trước những thách thức ngày càng tinh vi của loại tội phạm này.
Tọa đàm cũng đưa ra lời kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, ứng dụng công nghệ trong nhận diện và triệt phá các đường dây mua bán người; đồng thời nâng cao vai trò của thanh niên, lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm người di cư quốc tế, trong việc tự bảo vệ mình và lan tỏa thông điệp phòng, chống nạn mua bán người trong cộng đồng.