Tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Ngày 8/11, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 8939/UBND-VX3 ngày 17/10/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Đối với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động tham mưu, xây dựng các kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm (nếu có), nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thường xuyên tổ chức đánh giá các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là các cơ sở chế biến suất ăn sẵn; các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học, doanh nghiệp; các nơi ăn uống tại các điểm, khu du lịch, điểm dừng chân, sân bay, thức ăn đường phố... theo phân cấp quản lý. Xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc theo quy định.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn tuyến dưới; tổ chức cập nhật kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; cấp cứu, điều trị kịp thời và bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân.
Đối với các các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc triển khai thực hiện quy chế xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm nhằm ứng phó kịp thời sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị các ca bệnh khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/tang-cuong-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-9913da1/