Tăng cường quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 Chương, 34 Điều được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
4 chính sách trong bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự
Đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS), Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển KTXH và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
“Mục đích việc xây dựng Luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển KTXH đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển KTXH…”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ.
Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS gồm 6 Chương, 34 Điều được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/2/2022.
Cụ thể, Chính sách 1 sẽ hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ CTQP và KQS và nội dung quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; Chính sách 2 nêu chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các CTQP và KQS; Chính sách 3 là việc chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP và KQS; Chính sách 4 liên quan đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiệu lực, hiệu quả
Trình bày báo cáo thẩm tra, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; khẳng định việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS năm 1994, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, dự thảo Luật có 17 nội dung giải thích từ ngữ cơ bản cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ sự thống nhất giữa CTQP và KQS với khái niệm “tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân” quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phân biệt với “công trình phòng thủ dân sự” trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự… Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS và trường hợp nào áp dụng luật có liên quan như Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị làm rõ tính khả thi của quy định này và cần quy định rõ lộ trình giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi Luật có hiệu lực thi hành.