Tăng cường quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Ngành Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn phục vụ thị trường xuất khẩu, đồng thời tiếp tục chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại, kiểm dịch thực vật và đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công ty TNHH TMSX Long Thủy, huyện Bảo Lâm được cấp mã số cơ sở đóng gói, vùng trồng sầu riêng 134 ha với 73 hộ liên kết

Công ty TNHH TMSX Long Thủy, huyện Bảo Lâm được cấp mã số cơ sở đóng gói, vùng trồng sầu riêng 134 ha với 73 hộ liên kết

Thống kê đến hết năm 2024, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh 25.610 ha, bao gồm diện tích trồng thuần 11.397 ha, trồng xen 14.213 ha; tổng sản lượng thu hoạch đạt 175.282 tấn. Vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với tổng diện tích 19.808 ha, sản lượng 140.696 tấn, chiếm 77,3% về diện tích và 80,3% tổng sản lượng của tỉnh. So với tổng diện tích và sản lượng sầu riêng toàn tỉnh, huyện Đạ Huoai chiếm tỷ lệ cao nhất với 39,8% và 43,5%; tiếp theo huyện Di Linh với 23,8% và 21,8%; huyện Bảo Lâm với 13,8% và 14,8%. Diện tích sầu riêng tưới nước tiết kiệm trên 7.000 ha; chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 500 ha. Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận 300 ha vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai.

Hàng năm, các giống sầu riêng chủ lực Dona, Ri 6 tại huyện Đạ Huoai tập trung thu hoạch từ ngày 15/5 - 30/6 trùng với thời điểm thu hoạch sầu riêng chính vụ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và Thái Lan. Các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông và TP Bảo Lộc thu hoạch tập trung từ ngày 20/9- 30/10 cùng với thời điểm thu hoạch của các tỉnh Tây Nguyên.

Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 114 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 5.490 ha và 10 cơ sở đóng gói sầu riêng với diện tích nhà xưởng gần 13.420 m2, sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo hình thức liên kết. Cụ thể, các huyện Đạ Huoai (77 mã, hơn 3.726 ha, 1.697 hộ); Di Linh (14 mã, 540 ha, 271 hộ); Bảo Lâm (14 mã, hơn 763 ha, 289 hộ); Đam Rông (4 mã, 212,5 ha, 49 hộ); Lâm Hà (2 mã, 82,8 ha, 22 hộ); TP Bảo Lộc (1 mã, 56,8 ha, 33 hộ). Riêng Công ty TNHH TMSX Long Thủy được cấp mã số vùng trồng chung 134 ha với 73 hộ liên kết trên địa bàn huyện Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai.

Tính chung giai đoạn năm 2023 - 2024, toàn tỉnh đã giám sát 116 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng; lấy 759 mẫu giám định sinh vật gây hại, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng cadimi (Cd) và chì (Pb). Kết quả, phát hiện 11 mẫu sầu riêng bị nhiễm rệp sáp; 6 mẫu bị nhiễm Cd ở mức rất thấp 0.020-0,024mg/kg so với mức giới hạn tối đa của Trung Quốc (giới hạn cho phép tối đa 0.05mg/kg). Qua đó, Sở đã thông báo các vùng trồng bị nhiễm kim loại nặng thực hiện các biện pháp quy định của nước nhập khẩu và của Việt Nam; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép tại Việt Nam; sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa kim loại nặng và chì.

Riêng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng bị Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo tạm dừng, thu hồi do nhiễm kim loại nặng tồn dư trong sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong quý I/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị chuyên môn và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục tăng cường kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, kim loại nặng và an toàn thực phẩm tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và đăng ký nhãn hiệu sầu riêng tại huyện Đạ Huoai và huyện Di Linh; Sở Nông nghiệp và Môi trường đã lồng ghép hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, giúp đa dạng hóa chế biến sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất, kinh doanh sầu riêng.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng kim loại nặng, chì trên sầu riêng tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số và các cơ sở thu mua, tiêu thụ tại địa phương. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình canh tác sầu riêng đạt năng suất và chất lượng; khuyến khích sử dụng than sinh học để cải tạo, xử lý đất. Đặc biệt, các vùng trồng sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa kim loại nặng, chì và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch để tránh tồn dư trong sản phẩm; không sử dụng chất vàng o trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng…

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/tang-cuong-quan-ly-chat-luong-sau-rieng-xuat-khau-1f84606/