Tăng cường quản lý công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 375 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó, 171 công trình đang hoạt động (119 công trình hoạt động thường xuyên, 52 công trình hoạt động theo mùa); 204 công trình không còn hoạt động, đang thực hiện các thủ tục thanh lý theo quy định. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tính đến năm 2024 đạt 95,9% (vượt 0,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra).

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 375 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó, 171 công trình đang hoạt động (119 công trình hoạt động thường xuyên, 52 công trình hoạt động theo mùa); 204 công trình không còn hoạt động, đang thực hiện các thủ tục thanh lý theo quy định. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tính đến năm 2024 đạt 95,9% (vượt 0,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra).

Người dân xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Người dân xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Công tác quản lý cấp nước tập trung nông thôn theo 2 mô hình là đơn vị sự nghiệp công lập - Trung tâm Nước sạch nông thôn và quan trắc tài nguyên môi trường (gọi tắt là Trung tâm NSNT) và cộng đồng (UBND xã hưởng lợi) quản lý, vận hành. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe được chú trọng.

Trung tâm NSNT được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành và khai thác 32 công trình. Các công trình cấp nước sạch tập trung do trung tâm quản lý có nhiều ưu điểm vượt trội, góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp nước cho người dân. Hệ thống được vận hành ổn định, đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn an toàn. Công tác bảo trì, sửa chữa được thực hiện thường xuyên, giúp giảm thiểu sự cố, hạn chế tình trạng gián đoạn cấp nước. Việc giao công trình cho trung tâm quản lý cũng giúp chính quyền địa phương giảm gánh nặng về kỹ thuật, tài chính và nhân sự, nâng cao độ tin cậy của hệ thống cấp nước. Ngoài ra, với mô hình quản lý tập trung, các công trình dễ dàng được nâng cấp và mở rộng khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng.

Đến nay, tỷ lệ hộ dân đấu nối sử dụng nước tại các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm NSNT quản lý đạt bình quân 83% so với tổng số đấu nối; một số công trình có số hộ sử dụng nước đạt trên 100% số hộ đấu nối.

Công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn do xã quản lý được đánh giá là phương thức quản lý gắn với người hưởng lợi, đồng thời chính quyền xã có thể theo dõi, kiểm soát trực tiếp, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng bộc lộ nhiều hạn chế, đa số công trình chỉ đáp ứng hiệu quả trong thời gian đầu khi đưa vào hoạt động, sau đó chưa phát huy hiệu quả, nhanh chóng xuống cấp và bị hư hỏng. Nguyên nhân chủ yếu do tổ chức quản lý, vận hành, khai thác của UBND xã còn nhiều bất cập, nhân lực không đáp ứng yêu cầu, không xây dựng đơn giá mà chỉ thu để trả lương nhân công, không có kinh phí duy tu, bảo trì nên công trình sau khi hoàn thành, bàn giao một thời gian đã hư hỏng, dừng hoạt động.

Hàng năm, các đơn vị, địa phương quản lý công trình nước sạch đều rà soát đánh giá thực trạng các công trình cấp nước tập trung do đơn vị quản lý, trình cấp có thẩm quyền đề xuất kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Giai đoạn 2016 - 2024, việc đầu tư kinh phí xây dựng các công trình cấp nước tập trung được thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn với tổng kinh phí trên 195 tỷ đồng, trong đó, vốn WB 187.083 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương 5.125 triệu đồng, chương trình mục tiêu quốc gia 3.081 triệu đồng.

Đồng chí Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Để tăng cường quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung có quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững và các chương trình, dự án về nước sạch nông thôn. Tổ chức quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch theo mô hình phù hợp, hiệu quả, bền vững, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Rà soát, phân loại các công trình theo mức độ hư hỏng, từ đó đưa ra phương án xử lý tài sản phù hợp. Thực hiện thanh lý tài sản các công trình nước sạch nông thôn không còn hoạt động đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ công trình và phát huy vai trò giám sát của người dân.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/201300/tang-cuong-quan-ly-cong-trinh-cap-nuoc-sach-tap-trung-nong-thon.htm