Tăng cường quản lý đất công ích ở Thuận Châu
Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (thường gọi là quỹ đất 5%) được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng của địa phương theo quy định của tỉnh; nếu chưa sử dụng, UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp theo hình thức đấu giá, thời hạn mỗi lần thuê không quá 5 năm. Tiền thu được từ việc cho thuê được dùng vào nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. UBND cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Thuận Châu, việc quản lý, sử dụng quỹ đất 5% còn nhiều bất cập, chưa phát huy hiệu quả.
Trao đổi với cán bộ địa chính của xã Tông Lạnh và tìm hiểu thực tế trên địa bàn xã, việc quản lý, sử dụng quỹ đất 5% chưa chặt chẽ, việc xác định diện tích đất thực tế cho thuê chưa chính xác, phần diện tích đất công ích còn quản lý được trên thực tế thấp hơn so với diện tích trên hồ sơ; việc lập hồ sơ đấu thầu, cho thuê, sử dụng đất đối với các hộ gia đình về thời hạn thuê, sử dụng đất không đúng quy định. Hơn nữa, xã chưa mở sổ kế toán theo dõi quản lý nguồn thu, chi theo quy định, không lập phiếu thu cho người nộp tiền, xã giao cho thủ quỹ của xã lập danh sách theo dõi nguồn thu không đúng quy định.
Cũng tình trạng này, ở xã Muổi Nọi, xã không xác định được diện tích đất 5% cho thuê nằm ở số lô, số thửa đất nào của từng hộ đang thuê; không có hợp đồng thuê đối với từng hộ, cá nhân và việc cho thuê để sử dụng kéo dài từ năm 1994 đến nay, trong khi theo quy định, thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm.
Ông Lò Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Muổi Nọi, cho biết: Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do việc nắm bắt, theo dõi, quản lý, sử dụng đất 5% của xã chưa chặt chẽ; hồ sơ địa chính giữa người chuyển đi, chuyển đến bàn giao chưa đầy đủ; công chức địa chính từ 3-5 năm phải luân chuyển một lần, nên nắm bắt tình hình, đề xuất biện pháp quản lý, theo dõi diện tích quỹ đất 5% chưa kịp thời.
Bất cập của xã Tông Lạnh và Muổi Nọi cũng là thực trạng chung của các xã có diện tích đất công ích trên địa bàn Thuận Châu. Qua rà soát, toàn huyện đang có 17/29 xã, thị trấn có quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, với tổng diện tích trên 46,6 ha, có sổ sách quản lý, còn lại hầu hết diện tích đất công ích không có bản đồ thể hiện vị trí cụ thể, sổ theo dõi theo quy định của Luật Đất đai, chủ yếu do UBND các xã, thị trấn và cộng đồng tự quản lý theo sổ sách qua các thời kỳ.
Lý giải những bất cập trên, ông Tạ Đăng Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Châu, cho biết: Việc thực hiện rà soát lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, quản lý trên hồ sơ sổ sách, kiểm kê trên thực địa và hồ sơ địa chính để lập bản đồ, vị trí, diện tích, loại đất, tình trạng sử dụng quỹ đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; do đặc thù địa hình miền núi, diện tích đất canh tác sản xuất nông nghiệp ít, manh mún, nhỏ lẻ, không bằng phẳng. Quá trình giao đất, chia đất sản xuất nông nghiệp trước đây ở nhiều địa phương không trích lại đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích hoặc trích lại ít hơn mức 5% trên tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một số xã theo dõi số diện tích thừa trong định mức giao đất theo nhân khẩu khi giao đất theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và Chỉ thị số 18/1999/CT-TTg ngày 01/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ để tính là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích. Đặc biệt, việc cho thuê chưa đảm bảo quy định đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích khi chưa sử dụng được cho thuê theo hình thức đấu giá, vì thời hạn cho thuê tối đa là 5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy trình đấu giá cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích còn khó khăn, do chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc nếu áp dụng theo Thông tư số 14/2015/TTLT-BTP-BTNMT chưa phù hợp (do kinh phí thu được từ việc cho thuê không đủ để chi trả các chi phí thực hiện các bước theo quy trình đấu giá cho thuê). Do đó, trong nhiều năm qua, việc cho thuê đất công ích tại các xã không thông qua đấu giá, kinh phí chủ yếu thu hằng năm theo sản lượng và giá lương thực theo từng thời điểm.
Trước những khó khăn, vướng mắc, UBND huyện Thuận Châu ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 18/3/2021 về việc kiểm tra quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn huyện. Thành lập tổ kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã thực hiện quản lý, sử dụng và cho thuê đất công ích theo quy định của pháp luật, thường xuyên báo cáo khó khăn, vướng mắc và xin ý kiến tháo gỡ của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, cho biết: Khắc phục tồn tại hạn chế, xã đã tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và tăng cường quản lý, kiểm tra các hộ sử dụng đất, chỉ đạo địa chính xã nghiên cứu quy định Luật Đất đai và các văn bản liên quan, tham mưu cho UBND xã về lĩnh vực đất đai; phối hợp với các bản, tiểu khu kiểm tra, xác minh, đề xuất biện pháp, giải pháp; xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất; kế toán ngân sách xã từng bước hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ, mở sổ kế toán, quyết toán các khoản thu, chi từ nguồn thu cho thuê quỹ đất 5% đúng quy định.
Những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất 5% của huyện Thuận Châu cũng là tình trạng chung của các huyện trong tỉnh. Qua thực tế và báo cáo của các huyện, ngày 7/11/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4283/UBND-KT về việc giao xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là quyết định của UBND tỉnh quy định về quản lý, sử dụng và cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng và cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh, hoàn chỉnh các thủ tục trình UBND tỉnh ban hành theo đúng quy định của pháp luật.
Với những giải pháp đồng bộ, nhất là việc tăng cường kiểm tra quản lý, sử dụng đất 5%, sẽ giúp UBND các xã khắc phục tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu quả trong quản lý sử dụng đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.