Tăng cường quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra trên địa bàn 6 xã thuộc 2 huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong với tổng diện tích bị bệnh 49,38 ha. Để ổn định sản xuất, công tác quản lý dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm đang được ngành chức năng và các địa phương chủ động triển khai.

 Người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện, phòng trừ dịch bệnh - Ảnh: L.A

Người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện, phòng trừ dịch bệnh - Ảnh: L.A

Ông Trần Văn Dàn ở tại Hợp tác xã Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết, gia đình ông có 0,43 ha nuôi tôm. Từ đầu năm đến nay ông đã thả nuôi 2 vụ tôm. Vụ đầu ông thả hơn 20 vạn tôm giống. Sau gần 1 tháng thả nuôi thì tôm bị bệnh đốm trắng nên phải xử lý dập dịch bằng hóa chất Chloril.

Sau khi xảy ra dịch bệnh, ông đã xử lý, cải tạo ao nuôi rồi thả nuôi vụ thứ 2 nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của tôm nuôi giảm nên cũng chỉ sau hơn 35 ngày thả nuôi tôm nuôi tiếp tục bị bệnh, ước tính thiệt hại hơn 50 triệu đồng. “Hiện tại tôi đang cải tạo lại ao nuôi và cho ao nuôi “nghỉ ngơi” một thời gian. Chờ qua mùa mưa lũ sẽ tiếp tục thả nuôi lại với mật độ thấp để kịp thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán. Hy vọng sẽ bù đắp phần nào thiệt hại do dịch bệnh gây ra”, ông Dàn cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết thông tin, vụ nuôi tôm năm nay trong tổng số 176 ha diện tích nuôi tôm toàn xã đã có gần 50 ha của khoảng 150 hộ nuôi bị chết do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng, ước thiệt hại khoảng 4 - 5 tỉ đồng. Dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi sau khi thả giống từ 30 - 50 ngày, gây bệnh trên cả 2 đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Điều đáng nói là trong tổng số gần 50 ha nuôi tôm bị bệnh chỉ có khoảng 1/3 diện tích được người nuôi tôm báo cáo với chính quyền địa phương, được Trạm CN&TY huyện lấy mẫu xét nghiệm và được Chi cục CN&TY tỉnh hỗ trợ hóa chất Chloril để xử lý dập dịch. Số diện tích còn lại người dân tự xử lý. Trong khi đây là thời điểm nhạy cảm, tôm nuôi dễ bị nhiễm các bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được cải tạo, nâng cấp, thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn nên nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao.

Theo ông Quyết, để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND xã đã chỉ đạo các HTX, tổ nuôi tôm cộng đồng và người nuôi tôm phải lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, tại cơ sở sản xuất giống có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Thực hiện thả nuôi với mật độ thích hợp. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm dịch bệnh, khai báo kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để khoanh vùng dập dịch theo quy định.

Nghiêm cấm tuyệt đối không được xả nước từ các ao nuôi tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường chung làm lây lan dịch bệnh. “Đối với những ao nuôi bị nhiễm dịch bệnh, UBND xã động viên người nuôi tôm xử lý nước theo đúng kỹ thuật và thả nuôi lại theo hình thức quảng canh hoặc thả nuôi kết hợp tôm, cua, cá để bù đắp thiệt hại”, ông Quyết cho hay.

Huyện Vĩnh Linh hiện có hơn 850 ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm là 315 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, nhất là trên tôm nuôi, huyện đã yêu cầu các địa phương tập trung hướng dẫn người nuôi thực hiện thả nuôi theo đúng khung lịch mùa vụ của ngành nông nghiệp. Kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng con giống đưa về địa phương; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp con giống đưa về địa phương chưa được kiểm dịch.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực và kinh phí của địa phương để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, triển khai các biện pháp xử lý dập dịch đối với các ao nuôi có tôm bị bệnh, tiếp tục theo dõi, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo thống kê của Chi cục CN&TY, từ đầu năm đến nay dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại 6 xã gồm Vĩnh Sơn, Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh và Triệu Lăng, Triệu An, Triệu Độ, Triệu Phước, huyện Triệu Phong với tổng diện tích bị bệnh là 49,38 ha; bao gồm 1,32 ha bị bệnh đốm trắng và 48,06 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Để xử lý dịch bệnh, chi cục đã cấp 21,67 tấn hóa chất Chloril để hỗ trợ dập dịch. Ngoài ra còn có một số diện tích khi xảy ra hiện tượng tôm chết các hộ nuôi tự xử lý mà không báo cáo với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Trần Hoãn nhận định, với tính chất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, cộng với thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của tôm nuôi. Do vậy, mặc dù đã được hướng dẫn các biện pháp ngăn chặn và cấp hóa chất hỗ trợ xử lý dập dịch, tuy nhiên nếu các hộ nuôi tôm không tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nâng cao ý thức cộng đồng thì dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn rất dễ bùng phát và lây lan.

Ông Hoãn cho biết, để chủ động trong công tác phòng chống, ngăn ngừa, hạn chế sự lây lan của các loại dịch bệnh trên tôm nuôi, chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa”. Hướng dẫn người nuôi tôm sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được cấp phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi và đảm bảo môi trường nuôi an toàn.

Lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trên tôm nuôi. Thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi; khuyến cáo người nuôi tôm về bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi hiện chưa có thuốc đặc trị nên việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh là không hiệu quả. Về phía người nuôi tôm, ông Hoãn lưu ý cần theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết, các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH, độ mặn, ôxy hòa tan, nhiệt độ, màu tảo… để có các biện pháp xử lý kịp thời. Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

Rào lưới chắn quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Đối với các địa phương có nuôi trồng thủy sản cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về tình hình dịch bệnh, các biện pháp xử lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc tôm nuôi. Khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo chính quyền địa phương hoặc Trạm CN&TY biết để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác tôm chết, bị bệnh ra môi trường.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170482&title=tang-cuong-quan-ly-dich-benh-tren-tom-nuoi