Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến dăm gỗ

Thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian qua, công tác quản lý hoạt động của các nhà máy chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (ván ghép thanh, hàng mộc, gỗ MDF, dăm gỗ,…) đã được các cấp, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại thực trạng một số cơ sở, nhà máy chế biến gỗ, đặc biệt là chế biến dăm gỗ hoạt động khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chưa hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục về đầu tư, xây dựng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

 Một số doanh nghiệp đưa cơ sở sản xuất dăm gỗ vào hoạt động khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép - Ảnh: T.T

Một số doanh nghiệp đưa cơ sở sản xuất dăm gỗ vào hoạt động khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép - Ảnh: T.T

Dự án Nhà máy sản xuất dăm gỗ và viên nén sinh học xuất khẩu của Công ty Cổ phần Hải Lâm Xanh tại thôn Tân Phước, xã Hải Lâm được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 30120001182 cấp lần đầu ngày 24/4/2015. Ngày 25/5/2020, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1290/ QĐ-UBND thay đổi thông tin nhà đầu tư từ Công ty Cổ phần Hải Lâm Xanh thành Công ty Cổ phần Hào Hưng Quảng Trị.

Từ sau khi nhận chuyển nhượng đến nay, Công ty Cổ phần Hào Hưng Quảng Trị chưa thực hiện ký lại hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong tổng diện tích đã được UBND tỉnh cho thuê đất, phần diện tích 15.085 m2 chưa sử dụng, chậm tiến độ thực hiện, chưa thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất.

Ông Trương Minh Đạo, đại diện Công ty Cổ phần Hào Hưng Quảng Trị cho biết: “Dự án của nhà máy có hai hạng mục là chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu. Tuy nhiên từ khi tiếp nhận từ Công ty Cổ phần Hải Lâm Xanh đến nay, công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID - 19, do đó chưa thể triển khai giai đoạn 2 sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu”.

Tại huyện Hải Lăng hiện có 8 cơ sở chế biến dăm gỗ được UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đang hoạt động. Một số dự án xin đầu tư chế biến gỗ, chế biến lâm sản và sản xuất viên nén năng lượng nhưng không hoạt động đúng như chủ trương đầu tư cấp phép mà chủ yếu sản xuất dăm gỗ và dăm gỗ tận dụng. Đây cũng là địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất dăm gỗ, bao gồm các cơ sở được cấp phép và các cơ sở sản xuất dăm tận dụng nguyên liệu.

Nguyên nhân chủ yếu là do vùng nguyên liệu rừng trồng ở huyện Hải Lăng và các vùng phụ cận rất dồi dào. Chỉ tính riêng huyện Hải Lăng có tổng diện tích rừng trồng sản xuất khoảng 14.941,7 ha, chu kỳ khoảng 4 năm khai thác, như vậy bình quân mỗi năm có trên 1.800 - 2.000 ha rừng trồng được khai thác.

Để tháo gỡ những vướng mắc đối với vấn đề chế biến dăm gỗ trên địa bàn, huyện Hải Lăng đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban ngành nghiên cứu, xem xét trình UBND tỉnh theo hướng cấp giấy phép, điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án đối với một số cơ sơ sản xuất dăm gỗ đã hoạt động chưa được cấp phép nhưng có đóng góp thuế khá lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất ổn định.

Huyện Cam Lộ hiện có 5 dự án chế biến dăm gỗ thì đã có 2 dự án không có giấy phép là Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty Cổ phần lâm sản An Thái và Nhà máy Sản xuất phân bón hữu cơ và chế biến gỗ dăm tận dụng của Công ty TNHH MTV Vương Tây Sơn (hiện đang tạm dừng hoạt động).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, khó khăn trong quản lý các nhà máy chế biến dăm gỗ là một số dự án đã được cấp phép với quy mô từ 2 - 3 sản phẩm (gồm cả dăm gỗ) nhưng chỉ sản xuất dăm gỗ. Một số dự án trong quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư không ghi rõ ràng các sản phẩm của dự án, dẫn đến các chủ đầu tư vận dụng để sản xuất dăm gỗ không phép. Huyện kiến nghị đối với các dự án sản xuất dăm gỗ đã được cấp phép thì giữ nguyên quy mô và công suất đã phê duyệt, không được cơi nới, mở rộng nâng công suất không đúng chủ trương đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), có 27 dự án sản xuất và chế biến dăm gỗ đang hoạt động. Trong đó có 15 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cơ bản đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, đảm bảo đúng theo các nội dung quy định của Luật Đầu tư. Có 12 dự án hoạt động theo các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các cấp có thẩm quyền và đầu mối quản lý hiện nay là UBND cấp huyện.

Trong các KCN, KKT có 3 dự án đầu tư có mục tiêu hoạt động chế biến dăm gỗ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Nhà máy sản xuất dăm gỗ và chế biến lâm đặc sản Shaiyoo AA Quảng Trị của Công ty TNHH chế biến lâm sản Shaiyoo AA Quảng Trị mặc dù đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2015 nhưng đến nay, dự án chưa được thực hiện. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang làm việc với công ty để nghiên cứu, đề xuất lại vị trí vào trong KCN Tây Bắc Hồ Xá do Công ty Cổ phần Quang Anh Quảng Trị làm chủ đầu tư nếu nhà đầu tư có nhu cầu hoặc chấm dứt hoạt động dự án.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành rà soát, báo cáo tình hình hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Thương cho biết: “Sở đang rà soát và tiến hành kiểm tra thực địa hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ tại các địa phương. Qua rà soát và đối chiếu với quyết định chủ trương đầu tư cho thấy một số dự án được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư đa mục tiêu nhưng doanh nghiệp chưa chấp hành đúng quyết định chủ trương đầu tư, chỉ thực hiện được một trong ba mục tiêu của quyết định, cụ thể là chỉ đơn thuần thực hiện chế biến dăm gỗ. Chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan, xin ý kiến các ngành để xử lý theo các quy định pháp luật về đầu tư. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì chúng tôi tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xử lý cụ thể, trên tinh thần hỗ trợ tối đa nhà đầu tư nhưng đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật”.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, hoạt động sản xuất của các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, tạo giá trị gia tăng bền vững cho sản phẩm gỗ qua chế biến, bảo đảm sản xuất an toàn và vệ sinh môi trường, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện việc không cấp phép đầu tư mới đối với các cơ sở sản xuất băm dăm gỗ. Tập trung phát triển các cơ sở đã được cấp phép, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tìm kiếm thị trường, sản xuất đáp ứng công suất đã đăng ký. Đồng thời khuyến khích thúc đẩy sản xuất các mặt hàng ván nhân tạo, ván gỗ MDF, HDF, viên nén năng lượng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm gỗ và nhiên liệu phục vụ tiêu dùng, sản xuất năng lượng tái tạo trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170289&title=tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-cua-cac-co-so-che-bien-dam-go