Tăng cường quản lý, kinh doanh khí gas
Với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành và các lực lượng chức năng, hoạt động kinh doanh khí gas trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đi vào nền nếp, ổn định. Song công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh mặt hàng này cần được tiếp tục siết chặt hơn nữa, nhất là tại các cơ sở kinh doanh gas xen lẫn trong các khu dân cư để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ.
Cơ sở kinh doanh gas tại đường Lê Quý Đôn, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) xen lẫn trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, các sản phẩm được cung cấp ra thị trường chủ yếu dưới dạng bình tiêu chuẩn 12kg, 13kg, 14kg, bình gas công nghiệp 45kg, do doanh nghiệp chiết nạp tổ chức phân phối trực tiếp hoặc thông qua các chi nhánh, tổng đại lý, đại lý của nhà máy sản xuất. Chủng loại khí gas phong phú và đa dạng với các nhãn hiệu như: Petronas, Petrovietnam, Petrolimex gas, Total gaz,... Các cửa hàng bán lẻ gas phát triển khá nhanh chóng, góp phần hình thành mạng lưới cơ bản đã phân bổ đồng đều tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn cơ bản có ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh khí gas.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc quản lý, kinh doanh khí gas còn nhiều hạn chế, như: Việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong kinh doanh, vận chuyển khí gas của người đứng đầu các cơ sở kinh doanh gas chưa thật sự nghiêm túc. Vẫn còn tình trạng các cơ sở kinh doanh gas không đăng ký, không có cửa hàng mà hoạt động dưới hình thức đến từng hộ gia đình để quảng cáo, dán tên, số điện thoại cơ sở và cung cấp gas theo yêu cầu của khách. Trong khi đó, do một bộ phận người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm của sản phẩm này nên không kiểm chứng nguồn gốc dẫn đến nguy cơ mua phải bình gas không bảo đảm chất lượng có nguy cơ cháy nổ. Một số cơ sở thực hiện nhưng không đầy đủ các điều kiện, quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy trong kinh doanh gas như thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy chưa lập hoặc lập chưa đầy đủ; bảo quản bình phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm quy định; dụng cụ chữa cháy còn thiếu hoặc đã hết hạn sử dụng, thậm chí bị hư hỏng nhưng chủ cơ sở vẫn chưa trang bị dụng cụ chữa cháy mới. Nhiều cơ sở kinh doanh gas không có lối thoát nạn. Hệ thống dây điện đấu nối không bảo đảm kỹ thuật và an toàn. Bình gas để gần ổ cắm điện, khu vực thắp hương thờ cúng nên khi có cháy xảy ra sẽ bắt cháy rất nhanh và khả năng cháy lớn...
Để quản lý tốt hoạt động kinh doanh khí gas, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã rà soát, cập nhật thường xuyên thông tin của các cơ sở kinh doanh khí gas; nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, cung cầu, giá bán các loại khí gas; trong đó, chú trọng nắm bắt tình hình cung ứng, khả năng nhập gas của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ rõ ràng theo quy định của pháp luật và bán đúng giá niêm yết; nghiêm cấm đầu cơ, tăng giá bán bất hợp lý; thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh gas, việc tuyên truyền đến các chủ cơ sở cửa hàng kinh doanh gas là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, chấn chỉnh khắc phục những tồn tại, thiếu sót của cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.