Tăng cường quản lý một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện
Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự (ANTT) đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về ANTT trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác này còn bộc lộ một số tồn tại, sơ hở, thiếu sót. Tại một số địa bàn, việc quản lý còn mang tính hình thức, hồ sơ quản lý còn đơn thuần, không bổ sung tài liệu thường xuyên; công tác kiểm tra, xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để, nên vẫn tồn tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về ANTT không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoạt động không đúng nội dung có trong đăng ký kinh doanh hoặc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT nhưng vẫn hoạt động.
Tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng hoạt động quá giờ quy định vẫn xảy ra, tạo thành các tụ điểm phức tạp về ANTT, gây bức xúc trong dư luận…
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội cho biết, do lợi nhuận từ việc kinh doanh karaoke cao nên một số chủ cơ sở kinh doanh đã dùng mọi hình thức để biến tướng ra nhiều hình thức như "Hát gia đình"; " Hát cho nhau nghe", kinh doanh cà phê trá hình...
Các cửa hàng này sử dụng người lao động làm việc tại cơ sở không có hợp đồng lao động, khi khách có nhu cầu thì chủ cơ sở điều nhân viên nữ từ nơi khác đến, sử dụng nhân viên nữ phục vụ trong một phòng hát quá số lượng quy định, nhảy múa khiêu dâm cho khách khi có yêu cầu, hoạt động kinh doanh karaoke quá giờ quy định.
Các cơ sở kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về ANTT thường có sự mua đi, bán lại về tư cách pháp nhân, chủ cũ không kinh doanh nữa nhưng khi có sự việc xảy ra chủ cũ vẫn đứng ra giải quyết do đó gây khó khăn cho cơ quan công an trong công tác quản lý, đặc biệt là với loại hình kinh doanh karaoke và cầm đồ (có trường hợp chủ cơ sở kinh doanh chỉ làm các thủ tục hành chính để đủ tư cách pháp nhân rồi bán lại).
Lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, nhiều chủ cơ sở kinh doanh khi vi phạm pháp luật hoặc bị đình chỉ, thu hồi giấy phép tại địa chỉ này đã tìm cách thay đổi người đại diện pháp luật để tiếp tục hoạt động.
Để khắc phục những tồn tại, sơ hở, thiếu sót trên, đồng thời thực hiện nghiêm túc Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, Công an TP đã xây dựng Kế hoạch số 229 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, ngành nghề kinh doanh dễ phát sinh vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Theo nội dung Kế hoạch này, đối tượng quản lý, các hành vi vi phạm cần tập trung xử lý là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT được quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh vi phạm pháp luật không quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ (như kinh doanh dịch vụ cho vay tài chính, in lưới, photocopy, internet công cộng, cho thuê trọ bình dân, hát cho nhau nghe, các cơ sở kinh doanh điện tử xèng, máy bắn cá, kinh doanh câu lạc bộ poker, bar rượu có sử dụng nhạc mạnh, cắt tóc gội đầu thư giãn, dịch vụ giải khát, tắm khoáng nóng lạnh có nghi vấn hoạt động tệ nạn xã hội); các hành vi có liên quan đến thủ tục hành chính; hành vi liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội và hành vi có liên quan đến các quy định khác của pháp luật (như hoạt động kinh doanh quá giờ quy định, gây mất trật tự công cộng, lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh)…
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 229, lãnh đạo Công an TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tham mưu với UBND các cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác quản lý một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và hướng dẫn cơ sở kinh doanh chấp hành chế độ thông tin, báo cáo với cơ quan công an theo quy định của pháp luật; vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là phong trào phát hiện, tố giác, đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thường xuyên tổ chức điều tra cơ bản, rà duyệt, xác định rõ những cơ sở hoạt động kinh doanh có dấu hiệu nghi vấn phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định của Nhà nước về ANTT.
Thiết lập, củng cố hồ sơ quản lý theo quy định, thường xuyên bổ sung các tài liệu, cập nhật thông tin phản ánh diễn biến, tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT. Từ đó, phát hiện các vi phạm để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để xảy ra các vụ, việc nghiêm trọng hoặc hình thành các tụ điểm phức tạp về ANTT. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, trước mắt tập trung xây dựng phần mềm bảng số liệu để theo dõi.