Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình

Với sự nỗ lực trong hoạt động quản lý Nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của nhân dân, công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) có xu hướng giảm, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử gia đình, dần xóa bỏ BLGĐ, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người trong gia đình Việt Nam.

Hội viên Chử Thị Thu Hà, CLB gia đình hạnh phúc,Tổ dân phố Mậu Lâm, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cùng chồng quây quần bên con cái sau 1 ngày công việc vất vả. Ảnh: Dương Chung

Hội viên Chử Thị Thu Hà, CLB gia đình hạnh phúc,Tổ dân phố Mậu Lâm, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cùng chồng quây quần bên con cái sau 1 ngày công việc vất vả. Ảnh: Dương Chung

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, toàn tỉnh hiện có hơn 325.000 hộ gia đình, trong đó, số gia đình 2 thế hệ đầy đủ hơn 127.000 hộ (chiếm 39%); số hộ gia đình 3 thế hệ trở lên hơn 81.000 hộ (chiếm 24,9%); số gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con là hơn 64.000 hộ (chiếm 19,9%); số gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng) hơn 42.000 hộ (chiếm 12,9%); số gia đình đơn thân, gia đình khác hơn 10.000 hộ (chiếm 3,3%).

Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 150 vụ bạo lực gia đình (giảm 75 vụ so với năm 2020), trong đó, chủ yếu là bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần; nạn nhân thường là nữ giới, người già và trẻ em.

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình và PCBLGĐ, từ nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCBLGĐ và đưa mục tiêu chương trình hành động Quốc gia về PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Đến nay, 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác gia đình; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với nội dung nhiệm vụ công tác gia đình, PCBLGĐ và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện, toàn tỉnh đang duy trì 350 mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ; 876 địa chỉ tin cậy, 450 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị BLGĐ.

Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp duy trì 54 câu lạc bộ “Phụ nữ nông dân với pháp luật”, 25 câu lạc bộ PCBLGĐ, 1 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số với pháp luật”, 6 câu lạc bộ “Gia đình có sức khỏe không khói thuốc” tại 2 huyện Sông Lô, Bình Xuyên với 264 hội viên là phụ nữ tham gia.

Hoạt động hiệu quả của các mô hình, câu lạc bộ đã góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng BLGĐ trên địa bàn dân cư, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Một trong những hoạt động cũng góp phần hiệu quả trong việc giảm nguy cơ BLGĐ đó là các tổ hòa giải ở cơ sở. Năm 2021, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã thực hiện hòa giải hơn 1.300 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, đặc biệt ở các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động PCBLGĐ cũng được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh.

Đã có hàng nghìn cuốn tài liệu; hàng vạn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về công tác gia đình, PCBLGĐ được in và phát hành; nhiều cụm pano áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền được xây dựng; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử tỉnh xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục về công tác PCBLGĐ; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng...

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ và từng bước hạn chế tình trạng BLGĐ.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa cao; hiệu quả của tuyên truyền, vận động còn thấp; công tác phát hiện, thống kê báo cáo về BLGĐ rất khó khăn nên việc xử lý các hành vi vi phạm BLGĐ chưa kịp thời...

Để việc thực hiện Luật PCBLGĐ, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác gia đình đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình người Việt Nam.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nhân rộng các mô hình câu lạc bộ gia đình, các nhóm PCBLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi BLGĐ. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực gia đình và PCBLGĐ, nhất là kịp thời ngăn chặn không để xảy ra các vụ án nghiêm trọng.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75145/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-trong-linh-vuc-gia-dinh-va-phong-chong-bao-luc-gia-dinh.html