Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Trước những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về 'Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới' (gọi tắt là Chỉ thị 17). Cụ thể hóa nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 17, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai công tác bảo đảm ATTP theo hướng đồng bộ, kịp thời... đem lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Chỉ thị 17, trước hết, các hoạt động truyền thông đã được đẩy mạnh. Theo đó, các cấp, ngành đã tập trung phổ biến đến người quản lý, sản xuất, kinh doanh (SXKD), người tiêu dùng thực phẩm các chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATTP; kiến thức cơ bản về vệ sinh ăn uống; cách thức đọc tem nhãn, lựa chọn, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn; hình thành thói quen không tiêu thụ, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, kém chất lượng... Cùng với đó, duy trì có nền nếp việc kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác quản lý nhà nước về ATTP; hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành, chuyên ngành được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế trùng lặp, chồng chéo, tập trung vào những vấn đề còn tồn tại trong quản lý về bảo đảm ATTP... giúp phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vi phạm về ATTP.
Một điểm nổi bật trong việc quản lý nhà nước về ATTP là công tác giám sát ATTP cũng được thường xuyên tăng cường. Thời gian qua, cơ quan chức năng duy trì nghiêm việc lấy mẫu thực phẩm test nhanh, gửi kiểm nghiệm cảnh báo sớm cho cộng đồng, gửi thông báo mẫu vi phạm tới địa phương có cơ sở vi phạm yêu cầu phối hợp xử lý, khắc phục; đồng thời, thường xuyên giám sát bảo đảm ATTP tại các lễ hội, sự kiện; đẩy mạnh các hoạt động giám sát ATTP trong dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng được tăng cường kết hợp nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở SXKD thực hiện đúng quy định về ATTP. Năm 2024, đã giám sát hơn 6.000 suất ăn tại các lễ hội, sự kiện; điều tra, giám sát, xử lý 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại Bình Lục, qua đó đề nghị UBND huyện Bình Lục tăng cường biện pháp về bảo đảm ATTP; giám sát việc chấp hành quy định về ATTP tại 182 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; giám sát thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP của 495 hộ kinh doanh thực phẩm... Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cũng đã thanh tra, kiểm tra 3.447 cơ sở/6.199 cơ sở quản lý, trong đó có 2.845 cơ sở đạt (chiếm 82,5%); phạt tiền hơn 1 tỷ đồng đối với 213 cơ sở có vi phạm; buộc tiêu hủy đối với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị phát hiện (tổng giá trị 40.290.000 đồng); xử lý hình sự đối với 4 vụ vi phạm quy định về ATTP, buôn bán hàng giả, trốn thuế.

Cán bộ Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh ở TP Phủ Lý.
Hoạt động quản lý nhà nước về ATTP của các tổ chức chính trị- xã hội cũng thể hiện ngày càng rõ nét. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cho 17.883 hộ nông dân ký cam kết SXKD thực phẩm an toàn và thực hiện “3 không” (không sản xuất rau không an toàn; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không tiêu dùng thực phẩm bẩn); Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký cam kết bảo đảm ATTP cho 264 cán bộ, hội viên trực tiếp SXKD thực phẩm tại Bình Lục, Kim Bảng, Phủ Lý và phối hợp hướng dẫn người dân sản xuất rau, củ, quả bảo đảm ATTP đạt tiêu chuẩn PGS, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; hướng dẫn tiểu thương ghi chép, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực hành quy định bảo đảm ATTP. Hội nông dân chú trọng phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn theo vùng miền; hỗ trợ hội viên kết nối cơ sở SXKD nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý quảng bá sản phẩm; hỗ trợ ra mắt 8 cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn; hỗ trợ tiêu thụ gần 20 tấn sản phẩm nông sản; 15 sản phẩm được giúp đỡ đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP..., tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc.
Hướng tới hiệu quả bền vững trong quản lý ATTP, việc chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất an toàn; thúc đẩy áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn; các cấp, ngành, địa phương cũng đã triển khai 6 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và duy trì các mô hình sản xuất sản phẩm an toàn. Cùng với đó, hỗ trợ 260.000 tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ 93 cơ sở, doanh nghiệp SXKD nông sản với 412 sản phẩm nông sản an toàn đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các cấp hội nông dân đã tổ chức cho 84.828 hội viên SXKD, chế biến nông sản cam kết bảo đảm ATTP; triển khai tới các hộ vay vốn phải ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt khi vay quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2024, cơ quan chức năng đã tổ chức phân hạng sản phẩm OCOP; cấp giấy chứng nhận, trao thưởng cho 5/5 chủ thể với 9/9 sản phẩm đạt hạng 3 sao; lựa chọn 11 ý tưởng sản phẩm bảo đảm về ATTP.
Việc quản lý ATTP tại các chợ, làng nghề được quan tâm. Đến nay, 100% cơ sở SXKD tại các làng nghề ký cam kết, hoặc được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; mô hình bảo đảm ATTP được triển khai, nhân rộng tại một số chợ như: Đồng Văn (Duy Tiên), Vĩnh Trụ (Lý Nhân), chợ Bầu (Phủ Lý); 4 siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi Winmart+ trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp 81 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các bếp ăn tập thể, căng tin, nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nước uống đóng chai, nước đá; cấp 4 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; tiếp nhận bản tự công bố đối với 622 sản phẩm/68 cơ sở. Phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận, thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 109 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Năm 2024, cơ quan chức năng các cấp đã thẩm định, xếp loại điều kiện SXKD nông sản bảo đảm ATTP đối với 97 cơ sở; tiếp nhận bản cam kết, tổ chức ký cam kết và thẩm định điều kiện, cấp giấy phép kinh doanh cho trên 250 hộ, cơ sở SXKD đủ điều kiện về ATTP...
Từ những kết quả trên, năm 2025, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh xác định tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng những đề án, mô hình hiệu quả về ATTP; đẩy mạnh truyền thông tới từng nhóm đối tượng cụ thể với nội dung, hình thức linh hoạt, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; mở rộng tổ chức SXKD tập trung giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản chất lượng, an toàn; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP; phổ biến kiến thức về ATTP cho người quản lý, SXKD, tiêu dùng thực phẩm.
Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm; lấy mẫu hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc SXKD vật tư nông nghiệp; tồn dư hóa chất độc hại, chất cấm trong rau, củ, quả, thịt; điều kiện vệ sinh của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; lưu thông, phân phối, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; quản lý ATTP các chợ, siêu thị; điều kiện vệ sinh ATTP tại bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đồng thời, nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP và kỹ thuật xét nghiệm nhanh; ký cam kết và giám sát việc thực hiện cam kết về bảo đảm ATTP của cơ sở SXKD thực phẩm; phối hợp kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn và tiếp tục triển khai các đề án vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và hệ thống quản lý ATTP tiên tiến.