Tăng cường quản lý nuôi tôm hùm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ra công văn số:1253 /TS-NTTS về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.

Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được phản ánh từ một số cơ sở xuất khẩu tôm hùm và Hội nghề cá tỉnh Phú Yên về việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Để xác minh thông tin và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được nhanh chóng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường) đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc (Công văn773/CCPT-ATTP ngày 11/9/2023), gửi Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Công văn số 912/CCPT-ATTP ngày 28/9/2023).

Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam. Tuy nhiên, hiện phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang bận nên chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để duy trì phát triển và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm đặc biệt đối với tôm hùm bông, Cục Thủy sản đề nghị:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm hùm chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai một số nội dung, cụ thể như sau: Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống tôm hùm (QCVN 02-34-2: 2021/BNNPTNT; văn bản 6361/BNN-TY ngày 11/9/2023) và chỉ đạo của Cục Thủy sản (văn bản 1087/TS- GTATS ngày 17/10/2023 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống; văn bản 613/TS-NTTS ngày 16/8/2023 về tăng cường quản lý NTTS trên biển Nam Trung Bộ).

Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác “Xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”.

Theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi (giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh) và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc.

Quản lý nuôi lồng bè và sức khỏe tôm nuôi: Cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi, cụ thể:

Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định; Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của tôm hùm nuôi để nâng cao sức đề kháng của tôm, nhằm chống chịu bệnh và môi trường bất lợi; Thường xuyên treo túi vôi ở xung quanh lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi; Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường lồng bè nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối hoặc khi có biến động về thủy triều. Sớm phát hiện những biến động môi trường ảnh hưởng không tốt đến tôm hùm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cập nhật thông tin đầy đủ vào nhật ký, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.

Quản lý tốt chất lượng tôm giống, thuốc phòng trị bệnh tôm hùm. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp kỹ thuật và hỗ trợ xử lý các sự cố kỹ thuật (nếu có) trong quá trình nuôi.

Đề nghị Hội Thủy sản Việt Nam, Hội nghề cá các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thông tin đến các hội viên về các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.

Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai, báo cáo kết quả định kỳ hoặc đột xuất về Cục Thủy sản (qua Phòng Nuôi trồng thủy sản; số 10, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; email: ntts@mard.gov.vn) để phối hợp xử lý, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-quan-ly-nuoi-tom-hum-post781431.html