Tăng cường quản lý ở cơ sở
Thiếu cán bộ chuyên môn, không đủ thiết bị kiểm tra, thiếu kinh phí… là những khó khăn tại các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyến xã) đang gặp phải trong công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chính vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước về ATTP hiện nay.
Theo phân cấp quản lý, tuyến xã có Ban chỉ đạo ATVSTP thực hiện chức năng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tham mưu xử phạt… các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, chợ dân sinh, hoạt động buôn bán trong phạm vi thuộc quyền quản lý. Theo đó, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về đảm bảo ATTP trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP. Đối với tuyến xã, đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo ATTP của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn; chỉ đạo tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định bảo đảm ATTP; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các hoạt động về ATTP; đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn, nhất là trong khâu sản xuất, chế biến…
Theo các quy định như trên, quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý ATTP ở cấp cơ sở được giao nhiều hơn. Thực hiện các quy định này, hoạt động kiểm tra, kiểm soát VSATTP đã được đẩy mạnh, nhất là trong những thời điểm Tháng ATTP, dịp lễ hội, Tết cổ truyền, Tết Trung thu… Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì hoạt động quản lý ATTP tuyến xã mới chỉ thực hiện được khâu tuyên truyền, còn các phần việc khác đều gặp nhiều khó khăn. Tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh tháng 9-2019, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: “Đối với cấp huyện và xã việc kiểm soát và quản lý Nhà nước về ATTP là rất khó khăn. Khó khăn từ khâu bố trí nhân lực, triển khai kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi vi phạm, xử lý vi phạm… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác thanh, kiểm tra và thiếu kinh phí trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, tập quán, nếp sống sinh hoạt vùng nông thôn còn chưa thực sự quan tâm nhiều đến ATTP. Các mặt hàng chủ yếu là nông sản do nông dân tự sản xuất và tự tiêu thụ tại các trung tâm cụm dân cư hoặc chợ xã… Chính vì kinh doanh nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát, đây còn là vấn đề nhận thức xã hội nữa”.
Đồng chí Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết thêm: “Với địa bàn miền núi, dân cư phân tán lại có 11 chợ nông thôn (cấp 3) và trên 1.800 cơ sở trong diện quản lý, mà các cơ quan liên ngành và tuyến xã, thị trấn chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, đa số mỗi đơn vị chỉ bố trí được duy nhất một cán bộ kiêm nhiện và không có chuyên trách. Vì vậy, khi Ban chỉ đạo ATVSTP của địa phương ra quân kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh buôn bán, hộ gia đình chăn nuôi, làm nghề thường gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó bất cập nhất là việc cán bộ xã thiếu kỹ năng nghiệp vụ kiểm soát về ATTP, thiếu kinh phí và thiết bị kiểm tra, hầu hết chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan, do vậy việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi mà chỉ có thể nhắc nhở bà con thực hiện theo đúng quy định. Trong các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe, còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm ATVSTP hay không thì đoàn liên ngành thị trấn chưa đủ căn cứ. Các thiết bị test nhanh thì cũng phải mất từ 4-5 tiếng sau mới cho kết quả, nhưng không phải thực phẩm nào cũng test thử được. Khó nhất là kiểm soát dịch bệnh trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật. Hơn nữa đoàn kiểm tra cũng chỉ làm việc trong giờ hành chính, còn ngoài giờ thì không tổ chức kiểm tra được”.
Từ thực tế trên có thể thấy vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật ATTP cần được tăng cường hơn nữa bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó cần nêu cao hơn nữa vai trò của chính quyền cơ sở và sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trong việc giám sát và tổ chức xây dựng các quy ước, hương ước tại khu dân cư.