Tăng cường quản lý sản xuất, lưu thông thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương
UBND tỉnh ngày 14/5/2025 ban hành văn bản 1371/UBND-TH về tăng cường quản lý sản xuất, lưu thông thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng một số vụ ngộ độc rượu, sữa do không bảo đảm chất lượng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, UBND tỉnh ban hành văn bản 1371, đề nghị Sở Công thương tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành trên địa bàn tỉnh đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm, bao gồm: rượu và đồ uống có cồn, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bánh, mứt, kẹo, sản phẩm chế biến bột và tinh bột.
Thực hiện hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Lấy mẫu hậu kiểm khi cần thiết, phối hợp với Sở Y tế đánh giá chất lượng thực phẩm trong các vụ việc có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, tập trung vào các nội dung: chủ động phối hợp liên ngành trong điều tra nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm; kịp thời truy xuất, thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn; cảnh báo người tiêu dùng về sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, lưu thông sản phẩm rượu, các sản phẩm sữa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Niêm phong, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, có nguy cơ gây ngộ độc.
Các sở: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Sở Công thương điều tra, xác mình nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến sản phẩm rượu, sữa và thực phẩm lưu thông trên thị trường. Hướng dẫn chuyên môn về lấy mẫu, xét nghiệm, đánh giá nguy cơ đối với các sản phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cung cấp thông tin các trường hợp ngộ độc thực phẩm (đối với các sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương) cho Sở Công thương để phối hợp xử lý.
Phối hợp kiểm tra, kiểm soát vùng nguyên liệu sản xuất ban đầu, các sản phẩm nông sản thô dùng để chế biến thực phẩm, đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt yêu cầu an toàn thực phẩm. Thực hiện tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền thường xuyên về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, tác hại của việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc; cách nhận diện và phản ánh sản phẩm vi phạm; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được công bố chất lượng, không có tem mác, không có thông tin truy xuất hợp lệ; kịp thời thông tin, cảnh báo công khai các cơ sở, sản phẩm vi phạm bị xử lý.
UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, lưu thông sản phẩm rượu, các sản phẩm sữa giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Niêm phong, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, có nguy cơ gây ngộ độc. Kịp thời thông tin các trường hợp vi phạm khi phát hiện và chủ động phối hợp với các sở, ngành trong kiểm tra, kiểm soát tại cơ sở.