Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và thu hồi nợ đọng thuế
Ngày 22/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính có Công văn số 5258/BTC-TCT kính gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên tổng số thực thu nội địa năm 2024 không vượt quá 08% và tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm 2024 không vượt quá 05% tổng số thực thu nội địa năm 2024.
Tổng thu nội địa do Cục Thuế tỉnh Trà Vinh quản lý theo dự toán 04 tháng đầu năm 2024, đạt 2.505.934 triệu đồng, bằng 40,3% dự toán năm; bằng 99,9% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng thu nội địa đạt tiến độ thu cả năm và bằng so cùng kỳ; tuy nhiên số nợ đọng thuế trong 04 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và so với thời điểm ngày 31/12/2023.
Việc sử dụng HĐĐT theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch nhưng ở một số ngành hàng vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân có tính tuân thủ chưa cao trong việc thực hiện; nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng, mặc dù cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền và triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn.
Để thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT và thu hồi nợ đọng thuế, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Đối với công tác triển khai áp dụng HĐĐT
(1) Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện Cục Thuế, cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Thông tin và Ttruyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải… xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện.
(2) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai HĐĐT nói chung, triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
(3) Rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các DN, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trì, dịch vụ thẩm mỹ, bán lẻ thuốc tân dược, phí đường bộ, cáp treo,… thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 (đạt tối thiểu 70% tổng số DN, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng theo kế hoạch triển khai của Cục Thuế).
(4) Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các DN, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ HĐĐT; Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập HĐĐT, vi phạm pháp luật về thuế.
(5) Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện tuyên truyền đối với người bán hàng và người mua hàng về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong việc đáp ứng yêu cầu phải xuất hóa đơn liên tục, 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng lấy HĐĐT một cách thuận tiện.
- Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tình hình hoạt động của DN theo chuyên ngành, đồng thời phối hợp với cơ quan Thuế để giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của DN, đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn.
Đối với công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế
(1) Thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh (Ban chỉ đạo) do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc hoặc rà soát, bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo (nếu đã thành lập) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động chi tiết để triển khai thực hiện.
(2) Ban Chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo UBND tỉnh và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế. Định kỳ hằng tháng, Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
(3) Chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn (Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Công an, Thông tin truyền thông, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Xây dựng, Quản lý xuất nhập cảnh...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng thuế. Đặc biệt đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Ban Chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.
(4) Chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan liên quan phối hợp cung cấp thông tin để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; Đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là DN thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
(5) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, đặc biệt phổ biến các quy định pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên các kênh thông tin để người nộp thuế tự giác tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế, không để phát sinh nợ đọng thuế.