Tăng cường sản phẩm du lịch Thủ đô, tạo sức bật sau khoảng lặng Covid-19

Những ảnh hưởng của dịch bệnh đã có tác động không nhỏ đến ngành du lịch của Hà Nội trong nhiều tháng qua. Để phát huy thế mạnh và thu hút khách du lịch quay trở lại trong thời gian tới đòi hỏi mỗi đơn vị phải có sự đổi mới từ chiều sâu, tăng cường sản phẩm du lịch tạo sức bật sau khoảng lặng do Covid-19.

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt khách, giảm 67,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt khách, giảm 65% so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 8/2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 310 nghìn lượt, giảm 70,3% so với tháng 7/2020, giảm 87,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội giảm 12% so với tháng trước và giảm 97,1% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa giảm 71,3% so với tháng trước và giảm gần 85% so với cùng kỳ.

Với bề dày nghìn năm văn hiến, Hà Nội có nhiều di tích, di sản, làng nghề, ẩm thực... độc đáo. Đây chính là thế mạnh của Hà Nội trong phát triển du lịch nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, ngành du lịch Hà Nội đã có những biến động nghiêm trọng, gặp nhiều khó khăn và các đơn vị du lịch đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động.

Đơn cử tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không khí du lịch những tháng qua rơi vào trạng thái đìu hiu, trầm lắng. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, từ đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đón khách tham quan của đơn vị. Trong khoảng cuối tháng 7 đến tháng 8, lượng khách giảm đến 99%, tức là một ngày Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa được 100 khách đến tham quan.

Ngành du lịch Hà Nội hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngành du lịch Hà Nội hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch bị chững lại. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm để các đơn vị nghiên cứu thay đổi nội dung, đi sâu vào nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch có chiều sâu nhằm vực dậy hoạt động du lịch ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Dịch bệnh là bất khả kháng, mặc dù gây ra những khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức. Từ đó đòi hỏi mỗi đơn vị phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Thay đổi tư duy phục vụ, ứng xử với khách và thay đổi các hoạt động có tính thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

Theo đó, hiện nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trương tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Để tăng tính trải nghiệm, Trung tâm xây dựng những đề án số hóa, toàn bộ số liệu di tích để phục vụ việc tra cứu của các dòng họ, doanh nhân, tra cứu tiến sĩ... hướng tới sử dụng công nghệ hiện đại để nói lên các câu chuyện truyền thống.

Đặc biệt, việc nghiên cứu sản phẩm du lịch đêm cũng là hướng đi mới. Theo ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ, đơn vị đang xây dựng sản phẩm du lịch về đêm bằng cách kết hợp hình thức chiếu ánh sáng công nghệ cao với chương trình thực cảnh.

Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch tạo cơ hội thu hút du khách.

Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch tạo cơ hội thu hút du khách.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã có sản phẩm du lịch đêm là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị cũng đã nhận thấy cơ hội, chủ động việc xây dựng sản phẩm du lịch đêm để tạo điểm nhấn. Trước mắt là để phục vụ du khách trong nước, sau đó là sự chuẩn bị sẵn sàng khi Việt Nam đón khách quốc tế trở lại.

Một trong những tour mới được đưa vào khai thác tại Hà Nội vừa qua là sản phẩm du lịch khám phá “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” tại Nhà tù Hỏa Lò. Đây là hoạt động du lịch về đêm đầu tiên tại các di tích của Hà Nội, mở ra khả năng khai thác tiềm năng mô hình này cho nhiều điểm di tích khác. Sau đó là tour “Đêm trước ngày dời đô” của Hanoitourist cũng là điểm nhấn trong “mùa du lịch” của Hà Nội. Ngoài ra không thể không kể đến sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Có thể thấy việc đổi mới có chiều sâu đang là hướng đi đúng đắn của ngành du lịch. Tuy nhiên để phát huy lợi thế của du lịch Thủ đô cần có sự liên kết giữa các đơn vị, nâng cấp chất lượng phục vụ hướng tới nhu cầu của du khách, mở ra thị trường rộng lớn hơn và đặc biệt là tạo sức bật sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuo-ng-sa-n-pha-m-du-li-ch-thu-do-tao-suc-bat-sau-khoang-lang-covid-19-112944.html