Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Với quan điểm 'Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng', ngay sau khi Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (gọi tắt là Chỉ thị số 32-CT/TW) được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt và triển khai đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã có 203 luật, 37 pháp lệnh liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội được phổ biến đến cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Trong đó, tăng cường PBGDPL về phòng, chống tội phạm (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống tham nhũng; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính...); các văn bản pháp luật liên quan đến quan hệ dân sự, đời sống hôn nhân gia đình (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai...); các văn bản pháp luật về hoạt động của cơ quan hành chính - doanh nghiệp; các văn bản về lĩnh vực y tế - xã hội, lĩnh vực giao thông; các quy định về phát huy dân chủ ở cơ sở, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội (Luật Trợ giúp pháp lý, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo)... Qua đó đã từng bước nâng cao ý thức pháp luật, phát huy dân chủ; tăng cường niềm tin cho quần chúng nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ nhiều hủ tục, hạn chế tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các hình thức và biện pháp triển khai cũng rất đa dạng, phong phú như thông qua hội nghị tập huấn, giới thiệu văn bản pháp luật; biên soạn và phát hành tài liệu PBGDPL; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở và trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam; xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật; tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở và tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý... Kết quả, sau 15 năm các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai 90 hội nghị quán triệt các văn bản pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn từ cấp huyện trở lên với tổng số hơn 25.000 lượt cán bộ, công chức và báo cáo viên tham gia. Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện 56.592 cuộc phổ biến trực tiếp cho 6.038.800 lượt người; cấp phát 8.296.680 tài liệu, gần 900.000 bản đề cương pháp luật, 84.000 cuốn hỏi đáp pháp luật, hàng chục nghìn kg tờ rơi, tờ gấp các loại, gần 60.000 bản tin tư pháp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức 6.850 cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, cán bộ dân vận giỏi, hộ tịch viên giỏi, hòa giải viên giỏi, tuổi trẻ Thanh Hóa với an toàn giao thông, tìm hiểu pháp luật về thuế, tìm hiểu Luật Cư trú... thu hút gần chục triệu lượt người tham gia. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát sóng 886.162 chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã; đăng tải và phát trên phương tiện thông tin đại chúng 125.752 tin, bài về pháp luật. Hằng năm, hội đồng phối hợp PBGDPL tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch, phát động thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật. Qua đó đã tổ chức 420 hội nghị, tọa đàm ở cấp tỉnh, 2.470 hội nghị ở cấp huyện tuyên truyền nội dung, tinh thần của Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới; tổ chức 1.020 đợt trợ giúp, tư vấn pháp luật lưu động; treo 15.050 băng-zôn chủ đề Ngày Pháp luật tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, tuyến phố chính; cung cấp hơn 10.000 cuốn tài liệu, hàng vạn tờ gấp tuyên truyền pháp luật; đăng tải 5.000 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có tủ sách pháp luật, hàng nghìn thôn, bản, khu phố, làng văn hóa, các điểm bưu điện văn hóa xã được trang bị tủ sách pháp luật theo các chương trình, đề án PBGDPL của Chính phủ, của tỉnh. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở và tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp người dân không chỉ được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật mà còn được tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện pháp luật. Với số lượng 5.546 tổ hòa giải, 22.197 hòa giải viên đã hòa giải thành từ 80-83% trên tổng số khoảng 130.000 vụ việc; cùng với đó là tổ chức hàng trăm đợt trợ giúp pháp lý lưu động mỗi năm đã truyền tải sâu rộng pháp luật đến quần chúng nhân dân....
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, các ngành; xây dựng đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL bảo đảm về số lượng, chất lượng (toàn tỉnh có 105 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 543 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 6.189 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 22.197 hòa giải viên), đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện đều có trình độ đại học; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đa số có trình độ trung cấp trở lên; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên còn được lựa chọn từ trưởng thôn, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong các dòng họ, chức sắc tôn giáo nên đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, tạo niềm tin pháp luật, động viên nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Có thể khẳng định, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, công tác PBGDPL của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên nhận thức thống nhất cho cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác PBGDL đối với hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và đời sống xã hội. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PBGDPL. Các cấp, các ngành đã quan tâm, chú trọng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác PBGDPL. Nội dung PBGDPL từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời điểm; phù hợp với trình độ dân trí. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm, chú trọng triển khai công tác PBGDPL cho người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, cộng đồng doanh nghiệp... khơi dậy ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật của đại đa số nhân dân, góp phần xóa bỏ nhiều hủ tục, hạn chế tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo; nâng cao trình độ pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân, giúp người dân hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an.