Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao', các ngành nghề đào tạo trên địa bàn tỉnh ta đã đa dạng hơn, chất lượng được nâng cao, thu hút đông đảo lao động tham gia học nghề; tạo sự gắn kết giữa chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác.
Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, trong đó có Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, xác định cụ thể các nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đào tạo lao động có kỹ năng, tay nghề cao; huy động nguồn lực đầu tư đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn nghề, việc làm được triển khai đến học sinh THCS, THPT, học viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn và người lao động, nhằm thực hiện tốt công tác phân luồng, tạo điều kiện cho thanh niên lựa chọn hình thức học phù hợp với khả năng, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, ngành đã tiếp nhận công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh có 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm Trường cao đẳng Sơn La, Trường cao đẳng Y tế Sơn La, Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La.
Các trường thực hiện đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; kỹ thuật công nghệ; văn hóa nghệ thuật; dịch vụ du lịch... Ngoài ra, có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề theo hình thức kèm cặp, truyền nghề, đào tạo sơ cấp, góp phần giải quyết việc làm sau học nghề cho lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. 100% giáo viên các trường cao đẳng đều được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; có trình độ về lý thuyết và thực hành, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề, nhất là đào tạo nhân lực cho các ngành nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sơn La cũng đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Phối hợp với các doanh nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, 100% các ngành nghề đào tạo của các trường dạy nghề đều có chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thời gian thực hành, thực tập trong mỗi chương trình đạt từ 70% trở lên. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tập trung rèn kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, đảm bảo học sinh, sinh viên có tay nghề thành thạo ngay trong thời gian đang học.
Đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tăng cường tuyển sinh, đào tạo 14 nghề trọng điểm đã được phê duyệt: Cấp độ quốc tế (công nghệ ô tô, hàn, điện công nghiệp); cấp độ khu vực ASEAN (vận hành nhà máy thủy điện); cấp độ quốc gia (kỹ thuật xây dựng, vận hành máy thi công nền, công nghệ thông tin, hướng dẫn du lịch, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, lâm sinh, điều dưỡng, dược, hộ sinh).
Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Sơn La, chia sẻ: Hằng năm, Trường tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên về đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực. Định kỳ rà soát, chỉnh sửa, biên soạn, thẩm định giáo trình giảng dạy phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh và thực tế điều trị. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh triển khai hiệu quả quy chế kết hợp Viện - Trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trường duy trì 6 cơ sở thực hành thường xuyên tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, các cơ sở thực hành không thường xuyên tại tất cả các bệnh viện tuyến huyện, doanh nghiệp và các cơ sở hành nghề dược trong tỉnh, các trạm y tế trên địa bàn Thành phố. Nhà trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng 3/3 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La, thông tin: Nhà trường đã xây dựng chương trình, nội dung đào tạo đáp ứng sự thay đổi của khoa học, công nghệ và yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nội dung đào tạo theo hướng gắn kiến thức lý thuyết với thực hành rèn luyện kỹ năng, nhằm nâng cao tay nghề cho người học. Hiện nay, tất cả các nghề mà nhà trường đào tạo đã xây dựng được chương trình theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành nghề; 100% các môn học, mô đun được biên soạn giáo trình phù hợp với thực tiễn và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác đào tạo nghề đã tạo được bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,47%, đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.