Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp
Trong quá trình hoạt động, việc kết nối với các doanh nghiệp với trường đại học ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là tìm đầu ra cho sinh viên.
Trong khuôn khổ chương trình "Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023" được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 19/3, hàng chục nghìn thí sinh và phụ huynh đã tới tham dự để tìm hiểu các thông tin liên quan. Một trong những vấn đề được mọi người quan tâm nhất chính là việc làm đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chị Nguyễn Thu Hà - phụ huynh Trường THPT chuyên Biên Hòa (tỉnh Hà Nam) chia sẻ: "Tôi có con trai năm nay đang học lớp 12 và có định hướng chọn nhóm ngành về Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ngành này thì gần như trường nào cũng đào tạo. Tôi muốn tìm hiểu thật kỹ về chương trình đào tạo cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào".
Trực tiếp giải đáp thắc mắc cho các em học sinh và phụ huynh tại ngày hội, TS Thân Thanh Sơn - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, năm 2023, trường có tổng số 51 mã ngành đào tạo ở 11 lĩnh vực khác nhau. Đông đảo thí sinh rất quan tâm tới các nhóm ngành như Công nghệ - Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Kinh doanh - quản lý...
Thực tế cho thấy, dù ở nhóm ngành nào nếu đảm bảo chất lượng đào tạo và sinh viên có đủ năng lực, kỹ năng thì cơ hội việc làm cũng như thu nhập sẽ rất khá. Thời gian qua, nhà trường thường xuyên tiến hành khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm có việc làm. Khảo sát năm 2022 cho thấy, tỷ lệ này đạt trên 95%. Đây là con số biết nói, thể hiện các chuyên ngành đều được xây dựng theo chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Đặc biệt, trong quá trình đó là sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường với các doanh nghiệp (DN). Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 1 trung tâm hợp tác doanh nghiệp có vai trò kết nối giữa các đơn vị đào tạo với hệ thống các DN. Đến nay, nhà trường đã và đang có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với hơn 3.000 DN trong và ngoài nước ở các lĩnh vực khác nhau.
Nhà trường và doanh nghiệp đã có những hợp tác trong tổ chức, vận hành chương trình đào tạo rất đa dạng như tổ chức thực hành tại DN; tổ chức thực tập trải nghiệm tại DN; DN cử chuyên gia hướng dẫn thực hành, thực tập; cử chuyên gia đến giảng một số môn học chuyên ngành; cử chuyên gia cùng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp…
Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, việc phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp vẫn luôn được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Việc hợp tác với DN đang được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó xây dựng thương hiệu trường đại học. Mối liên kết này đang trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động.
Nhà trường luôn coi doanh nghiệp là một bên liên quan quan trọng trong thiết kế, phát triển Chương trình đào tạo (CTĐT); Chương trình đào tạo cần có tỷ trọng thực hành, thực tập phù hợp (35 - 40%) để gia tăng kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên; trong CTĐT có thiết kế 1 số môn học chuyên ngành có sự tham gia đồng giảng một phần bởi chuyên gia từ DN.
Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển sinh 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 51 ngành/chương trình đào tạo. Nhà trường sẽ mở mới một số ngành/chương trình đào tạo như: Năng lượng tái tạo; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Ngôn ngữ học.