Tăng cường thanh tra công vụ để cán bộ 'tự soi, tự sửa'

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh nhận định trách nhiệm chuyển biến kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ không thể trong một sớm, một chiều. Để đẩy lùi hạn chế, tiêu cực nhất là phiền hà, sách nhiễu, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Sở Nội vụ có phần trách nhiệm là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung thanh, kiểm tra công vụ.

Sáng 3/7, tiếp tục kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, các đại biểu HĐND Thành phố đã chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Nỗ lực cải thiện chỉ số CCHC

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ đại biểu Đông Anh) nêu vấn đề, qua giám sát về thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ cho thấy một số chỉ số thành phần trong chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Thành phố chưa được cải thiện. Mặc dù UBND Thành phố đã có những biện pháp nhưng những chỉ số như PCI, PAPI vẫn tụt nhiều bậc so với các năm trước. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Sở Nội vụ làm rõ nguyên nhân trách nhiệm dẫn đến các chỉ số này vẫn còn thấp,

Trả lời nhóm vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Cảnh cho biết: CCHC là lĩnh vực được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố hết sức quan tâm, và sát sao. Kết quả về CCHC những năm qua của Hà Nội cũng hết sức tích cực, được Trung ương đánh giá cao.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Cảnh trả lời chất vấn tại phiên họp.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Cảnh trả lời chất vấn tại phiên họp.

Trong đó, Sở Nội vụ được UBND Thành phố giao chủ trì 3 chỉ số trong CCHC là: Chỉ số cải cách hành chính Par-Index, chỉ số hài lòng SIPAS và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI. Tổng hợp kết quả đến 4/2023, các chỉ số đều tăng điểm và đảm bảo chỉ tiêu đề ra.

Trong đó chỉ số CCHC đứng thứ 3/63 tỉnh thành, SIPAS tăng 9 bậc so với năm 2022, riêng chỉ có chỉ số PAPI giảm xuống thứ 15/63 tỉnh thành nhưng điểm thì vẫn tăng so với năm 2021, 2022 và nằm trong nhóm đứng đầu cả nước, vượt chỉ tiêu Đảng bộ Thành phố đề ra.

Tuy nhiên, trong chỉ số PAPI có các chỉ số thành phần giảm điểm là: Chỉ số quản trị môi trường (giảm 3 bậc so với 2022); chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (giảm 10 bậc so với năm 2022); chỉ số nội dung thủ tục hành chính công (giảm 19 bậc so năm 2022). Theo Sở Nội vụ, trách nhiệm của việc các chỉ số này giảm thuộc cơ quan, sở, ban ngành được phân công phụ trách chỉ tiêu.

"Do vậy, với các giải pháp sắp tới, đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục tham mưu cho Thành phố để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở và gắn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc người đứng đầu chính quyền ở UBND cấp huyện, xã trong thực hiện các yêu cầu trong nâng cao chỉ số PAPI. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cũng cần chủ động hơn nữa để thực hiện tốt nội dung này", Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Cũng liên quan đến các vấn đề CCHC, liên quan đến Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết thêm, Chỉ số PCI gồm có 10 chỉ số và 142 chỉ số thành phần.

Qua đánh giá năm 2023, Hà Nội đứng thứ 28 (giảm 8 bậc so với năm 2022). Trong đó có 5 chỉ số tăng bậc và 5 chỉ số giảm bậc. Trong số 142 chỉ số thành phần, theo chỉ đạo UBND Thành phố, Sở đã làm việc với sở, ngành phân tích và xây dựng đánh giá, từ đó, chỉ ra 20 đầu mối sở, ngành có liên quan Chỉ số PCI, trong đó Sở chịu trách nhiệm liên quan 2 chỉ số.

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ đại biểu Đông Anh) đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ đại biểu Đông Anh) đặt câu hỏi chất vấn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ, thời gian qua, Thành phố đang đẩy mạnh CCHC và đã giao Viện Kinh tế Phát triển đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ngành. Đồng thời, theo chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố, Văn phòng Thành phố có thành lập Đoàn công tác kiểm soát các hồ sơ, nhiệm vụ Thành phố giao. Đây là những giải pháp để tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI của Hà Nội trong thời gian tới.

Chuyển biến kỷ luật, kỷ cương không thể trong một sớm, một chiều

Đại biểu Nguyễn Chí Lực (Tổ đại biểu quận Ba Đình) đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Nội vụ: Thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” có phụ lục kèm theo về các nhóm vi phạm với 25 biểu hiện vi phạm để cán bộ công chức viên chức tự soi tự sửa, tự rèn luyện. Tuy nhiên thực tế vẫn còn tình trạng công chức phiền hà sách nhiễu. Đề nghị Sở Nội vụ cho biết, sau khi Chỉ thị 24, Sở đã Thanh tra kiểm tra như thế nào, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức theo 25 biểu hiện.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, năm 2023 Thành ủy ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu tất cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố tới cán bộ đảng viên phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong giải quyết công việc. Sau gần 1 năm tổ chức thực hiện, Chỉ thị đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện qua việc chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đạt tốt.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, với khối lượng công việc nhiều, biên chế chưa tương xứng, tình trạng chậm muộn trong giải quyết công việc một phần do khó khăn của cơ chế chính sách, một phần do TTHC, do trách nhiệm, thái độ của cán bộ công chức.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh nhận định, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm chuyển biến không thể trong một sớm, một chiều. Để đẩy lùi hạn chế, tiêu cực nhất là phiền hà, sách nhiễu trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đặc biệt là người đứng đầu. Trong đó có phần trách nhiệm của Sở Nội vụ là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung thanh tra công vụ.

"Với 3 nhóm nhiệm vụ và 25 biểu hiện trong Chỉ thị 24-CT/TU, đây là cơ sở, căn cứ để cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xem xét nhận diện cán bộ của cơ quan mình, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị nhận diện để tự soi, tự sửa”, Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.

Thực hiện kế hoạch của UBND Thành phố, Sở Nội vụ đã thực hiện một số nội dung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công vụ trong đó các nội dung kiểm tra đã triển khai theo luật, nghị định và quy trình nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học không thể dựa vào biểu hiện để kết luận sai phạm của cán bộ.

Trong quá trình kiểm tra công vụ, Sở đã đi sâu vào kiểm tra quy chế làm việc, quy chế phối hợp, chương trình công tác và phân công, phân nhiệm với cán bộ, công chức và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đặc biệt đối với những cá nhân, tập thể có biểu hiện, dư luận vi phạm, đoàn kiểm tra công vụ trực tiếp vào kiểm tra hồ sơ, tài liệu để minh chứng việc giải quyết thực thi công vụ của đồng chí đó có đảm bảo yêu cầu hay không.

Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, với số lượng hơn 140 nghìn cán bộ công chức và nhiều đầu mối các đơn vị thì hàng năm Sở chỉ kiểm tra được một số đầu đơn vị điển hình, không thể kiểm tra được tất cả. Cho nên, trách nhiệm chủ yếu thuộc về thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời thông tin, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố để tăng cường nội dung này, đặc biệt kiến nghị, đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện tự kiểm tra, tự giám sát để phát hiện ra nội dung này.

Liên quan đến vấn đề thực hiện TTHC, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ đại biểu quận Long Biên) cho biết, theo phản ánh cử tri, ở xã phường còn tình trạng đùn đẩy, né tránh tiếp nhận giải quyết thủ tục tư pháp cho người dân, ví dụ như tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Đề nghị Sở Tư pháp cho biết công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết TTHC cấp xã, phường, thị trấn, thống nhất thời gian hẹn trả kết quả TTHC.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn thông tin, hiện nay số lượng giải quyết thủ tục hành chính cấp xã, phường rất nhiều, mặc dù chỉ giải quyết 38/126 tổng số TTHC (tỷ trọng chiếm trên 30%) nhưng số lượng giao dịch, chứng thực hộ tịch chiếm 90% số lượng giao dịch thường xuyên hằng ngày ở cấp xã. Sau khi có Chỉ thị 24-CT/TU, công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được chú trọng, những năm gần đây không có vấn đề nổi cộm.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-thanh-tra-cong-vu-de-can-bo-tu-soi-tu-sua-173168.html