Tăng cường thanh tra, giám sát tận chân công trình

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội, đối với nội dung dự thảo Nghị quyết, điều đáng quan tâm nhất là việc tổ chức thực hiện, Ban Thường trực MTTQ TP rất đồng tình, nhất là về yêu cầu tăng cường thanh tra giám sát, thậm chí tận chân công trình.

Chiều nay, 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô).

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị.

Góp phần ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm vi phạm hành chính

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho hay, ngày 22/7/2024, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó nội dung xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND TP cụ thể hóa quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 33 về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SX, KD, DV) trên địa bàn Hà Nội là một trong những nội dung được giao quy định chi tiết theo Luật Thủ đô cần ban hành trước ngày 1/1/2025 để có hiệu lực cùng với Luật.

Thời gian qua, vi phạm trên địa bàn TP về trật tự xây dựng (TTXD), đất đai, phòng cháy chữa cháy (PCCC) ngày càng phức tạp; công tác thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền dù đã được chú trọng nhưng ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn rất hạn chế, lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện vi phạm. Với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ vi phạm đất đai, TTXD, PCCC… cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt, nên chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Trong khi, việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là khắc phục hậu quả đã được áp dụng nhưng việc thi hành còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị

Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm vi phạm hành chính, giúp việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, tài sản của người dân, DN và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Theo dự thảo, Nghị quyết gồm 11 Điều, có đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức quản lý sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô; người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn Hà Nội.

Nghị quyết quy định một số trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Thứ nhất, Nhóm công trình quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô: công trình xây dựng sai quy hoạch (QH), công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…

Với nhóm công trình này, Dự thảo quy định trường hợp cần thiết áp dụng là khi công trình đã bị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.

Thứ hai, với nhóm công trình, cơ sở SX, KD, DV quy định tại điểm đ, e Khoản 2 Luật Thủ đô (công trình xây dựng, cơ sở SX, KD, DV chưa được nghiệm thu về PCCC mà đã đưa vào hoạt động; cơ sở KD dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC), dự thảo quy định trường hợp cần thiết được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước công trình cơ sở SX, KD, DV đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.

Thứ ba, với công trình quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô (công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền), dự thảo quy định trường hợp cần thiết được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước công trình khi “tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời”.

Đáng chú ý, dự thảo quy định thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo hướng chủ yếu giao Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện có thẩm quyền áp dụng biện pháp này, phù hợp quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và PCCC. Ngoài ra, giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình cơ sở SX, KD, DV liên quan địa giới hành chính của 2 xã, phường, thị trấn trực thuộc trở lên; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và quyết định di dời khẩn cấp để bảo đảm đồng bộ với quy định của TP...

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh phát biểu

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh phát biểu

Quan tâm nhất là khâu tổ chức thực hiện

Tại hội nghị, góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP, các chuyên gia, nhà khoa học cơ bản bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sớm ban hành Nghị quyết, đã có đủ cả cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn; quá trình biên soạn dự thảo được thực hiện bài bản, tiếp thu có chọn lọc góp ý của các sở, ngành, quận, huyện.

Tuy nhiên, theo các ý kiến, dự thảo Nghị quyết xác định được các nguyên tắc chung theo yêu cầu tại khoản 4 điều 33 Luật Thủ đô, đó là trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và thực hiện biện pháp- là nội dung phức tạp liên quan trực tiếp đời sống, sức khỏe của người dân và nhiều văn bản pháp lý, nên rất cần được xem xét một cách khoa học, đồng bộ, cụ thể và chuẩn xác hơn theo định hướng Luật Thủ đô đã nêu.

Trong đó “trường hợp áp dụng” là trường hợp cần thiết; “thẩm quyền áp dụng” theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, song cần nêu rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm (nếu có). Đồng thời, quy trình thực hiện xác định rõ các bước và thời hạn, nhưng cần kế thừa quy định về xử phạt hành chính đã có và có sự tương hỗ của người dân.

Đặc biệt, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội QH Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, về các “trường hợp áp dụng” quy định trong Điều 3, dự thảo đã nêu một số nội dung cụ thể theo khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô và có bổ sung một số nội dung về kiến trúc, chức năng công trình..., nhưng diễn đạt chưa khoa học, không phù hợp khái niệm “trường hợp thật cần thiết” đã nêu trong Luật, nên cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh.

“Công trình xây dựng sau QH (cụm từ nêu trong Luật) cần cụ thể hóa để phù hợp với tiêu đề Nghị định. QH là khái niệm rất rộng, nhất là trong QH tích hợp như hiện nay (QH Thủ đô đang hoàn chỉnh có nội dung liên quan 11 ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, 6 ngành công nghiệp xây dựng...); QH chung Thủ đô (đến năm 2045- tầm nhìn 2065) có định hướng về sử dụng đất, 12 ngành về hạ tầng KT-XH, 10 ngành về hạ tầng kỹ thuật, 3 ngành về bảo vệ môi trường. Bối cảnh này cho thấy khái niệm sai QH là rất khó nhận diện, do vậy cần lựa chọn sai phạm nào là cần thiết để áp dụng yêu cầu ngừng dịch vụ điện nước”- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm dẫn chứng.

Góp ý về “thẩm quyền áp dụng”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, theo dự thảo Nghị quyết, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã là rất lớn, nên cũng cần tạo điều kiện nhất là nguồn lực con người, để thực thi thẩm quyền bảo đảm kịp thời, chất lượng.

Hơn nữa, các khoản 2,3,4,5 trong dự thảo quy định thời hạn lập biên bản và chuyển lên người có thẩm quyền, cũng như thực hiện ra quyết định, thực hiện quyết định là quá dài (6-7 ngày), vì trong thời gian đó công trình vi phạm chắc chắn sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện với tốc độ cao, sẽ gây ra hệ lụy lớn. Do đó, nên rút ngắn thời gian hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội

Các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội

Mặt khác, với những công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp mà tổ chức, cá nhân đã được vận động thuyết phục nhưng vẫn không thực hiện di dời (khoản 8 Điều 3) cũng cần có thời hạn nhất định, ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị nghiêng về thực hiện cưỡng chế khẩn cấp chứ không chỉ ngừng cung cấp điện, nước, bởi liên quan tính mạng con người.

Tiếp thu đầy đủ các ý kiến trực tiếp tại Hội nghị cũng như ý kiến gửi về Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và khẳng định Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tập hợp đầy đủ để gửi về cơ quan soạn thảo.

Đồng thời, đánh giá cao sự làm việc công phu, khẩn trương của Sở Tư pháp Hà Nội là cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình tại Kỳ họp HĐND TP cuối năm nay, bà Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lựa chọn, tiếp thu những nội dung ý kiến phù hợp quy định pháp luật để hoàn thiện các văn bản. Thời gian không còn dài, cần tiếp tục khẩn trương thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, đối với nội dung dự thảo Nghị quyết, điều đáng quan tâm nhất là việc tổ chức thực hiện, trong đó có trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các cơ quan, đơn vị liên quan. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP rất đồng tình và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nhất là về yêu cầu tăng cường thanh tra giám sát, thậm chí tận chân công trình.

“Có rất nhiều bộ phận, lực lượng liên quan ở cơ sở có trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính, cần rất được coi trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến đối với TP về tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, trau dồi ý thức trách nhiệm của những lực lượng cán bộ liên quan”- bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng nêu rõ, sau khi Nghị quyết này được ban hành cần được đẩy mạnh tuyên truyền, không chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TP mà cần có những hình thức tuyên truyền phong phú sát với các địa bàn dân cư.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-thanh-tra-giam-sat-tan-chan-cong-trinh.html