Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động
Trong phiên họp chiều nay (22/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Tăng cường thanh tra
Chủ trì phiên thảo luận tổ ĐBQH tỉnh tại điểm cầu Bình Thuận có đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Tại phiên thảo luận nội dung BHXH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đại biểu Thông, qua theo dõi việc thanh kiểm tra thời gian qua cho thấy có nhiều doanh nghiệp trục lợi chiếm dụng BHXH của người lao động, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tuy nhiên chưa thấy vụ việc nào xử lý hình sự. Chính vì vậy, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo đối với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác thanh tra kiểm tra nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Tiếp nối ý kiến của đại biểu Thông, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cho rằng hiện nay tình hình nợ đọng BHXH khá lớn, đặc biệt không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà còn cả doanh nghiệp nhà nước, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Do đó, đại biểu Sỹ đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh xử lý triệt để. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm cải cách tiền lương cho những người về hưu trước năm 1995.
Liên quan đến vấn đề BHXH, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An phân tích, đối với nhóm BHXH tự nguyện mặc dù có tăng 2 lần so với năm trước nhưng mới chỉ chiếm tỷ lệ 2,33% của tổng số những người thực hiện BHXH. Theo đại biểu An tỷ lệ này còn thấp, nguyên nhân là do nhận thức đóng BHXH chưa cao, cách nhìn ngắn hạn. Nếu như thời gian tới tăng cường công tác vận động giải thích để những đối tượng này thấy được ý nghĩa và lợi ích khi tham gia BHXH thì số lượng người tham gia BHXH tự nguyện sẽ tăng lên. Mặt khác, biểu hiện đáng lo ngại là số lượng tiền mức đóng có giảm đi. Điều này phản ánh thu nhập của những người trong diện đóng BHXH tự nguyện không cao hoặc nhận thức về ý nghĩa lợi ích đóng BHXH chưa lớn.
Đối với đối tượng đóng BHXH bắt buộc, theo đại biểu An, cần làm tốt công tác tác thu BHXH, tuyên truyền vận động và có biện pháp phù hợp để những tổ chức sử dụng lao động thực hiện việc đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động thuyết phục cần có hình thức chế tài để các tổ chức có sử dụng lao động phải thực hiện việc tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.
Góp ý đến vấn đề BHYT, đại biểu Sỹ đề nghị Chính phủ rà soát tiếp tục nghiên cứu chính sách mua BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đề nghị chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người có BHYT ở các xã, phường. Đặc biệt là bố trí thời gian khám chữa bệnh cho người có BHYT khám bệnh vào ngày thứ 7 và chủ nhật để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chăm sóc sức khỏe.
Đại biểu Thông đề nghị Chính phủ quan tâm mua BHYT cho các đối tượng yếu thế. Đồng thời quan tâm nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở để chăm sóc tốt hơn sức khỏe của người dân.
Theo đại biểu An, mục tiêu cơ bản về BHYT mặc dù đạt được nhưng trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy việc đầu tư trạm Y tế chưa quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân tại cơ sở. Chính vì vậy, người dân chưa tin tưởng vào khả năng chữa bệnh của trạm Y tế nên mới muốn vượt tuyến gây quá tải cho tuyến trên. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, Trung tâm Y tế tuyến huyện.
Đối với mô hình thí điểm “Bác sĩ gia đình” kết quả rất thấp. Khái niệm “Bác sĩ gia đình” còn xa lạ đối với người dân. Do vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện mô hình “Bác sĩ gia đình” để có hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới. Đi liền với đó là tháo gỡ bất cập chưa phù hợp giữa BHYT với mô hình “Bác sĩ gia đình” để mô hình đạt hiệu quả hơn.
THU HÀ