Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công
Đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng thanh tra của bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm và tổ chức thanh tra đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra sai phạm; thanh tra đột xuất đối với các trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị có cơ sở hoặc được dư luận xã hội quan tâm.
Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, cử tri TP. Hồ Chí Minh phản ánh, hiện nay nhiều khu đất bỏ hoang không sử dụng, rất lãng phí, cần có phương án sử dụng hiệu quả. Do đó, cử tri đề nghị kiểm tra, giám sát việc lãng phí trong sử dụng tài sản công của các đơn vị bộ, ngành trung ương trên địa bàn Thành phố.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp; trong đó các bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; triển khai quyết liệt Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện từ khâu giao tài sản công, lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm; tăng cường công tác giám sát của cộng đồng; các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5783/BTC-QLCS ngày 7/6/2023 về việc thực hiện kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng của bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Cùng với đó, chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng thanh tra của bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm và tổ chức thanh tra đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra sai phạm; thanh tra đột xuất đối với các trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị có cơ sở hoặc được dư luận xã hội quan tâm.