Tăng cường thanh tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác định những sản phẩm, thực phẩm trọng tâm để đi kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh như bánh kẹo, miến, thịt, gạo, các loại đồ uống… trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Sáng 9-2, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông tin về công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm cũng như khuyến cáo người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngày Tết.
Ông Long cho biết cuối năm là dịp mà thực phẩm và tiêu dùng nhiều. Trong năm 2023, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 1540 ngày 13-12 về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024.
“Vào mùa Tết Nguyên đán cũng như lễ hội xuân, nhu cầu tiêu dùng tăng gấp nhiều lần so với trong năm. Những mặt hàng chủ yếu tăng lên trong dịp này là thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết như các loại thịt, bánh mứt kẹo, đồ uống…”, ông Long nói.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cũng đã chỉ đạo là bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm nói chung. Từ đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thực phẩm trên mạng
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cũng cho biết thêm, gần đây kinh doanh qua mạng online tăng nhiều. Đây là xu hướng chung của thế giới, do đó việc kinh doanh trên mạng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Về vấn đề này, ngành công thương sẽ chủ đạo trong việc kiểm soát kinh doanh qua thương mại điện tử.
“Song vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên cơ quan quản lý có trách nhiệm về kiểm soát, kiểm tra. Ví dụ như một cơ sở sản xuất một thực phẩm nào đó để bán, tức là họ kinh doanh. Mặc dù họ không phải đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn phải tuân thủ theo các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu không, họ vẫn bị xử lý, cấm bán…”, ông Long giải thích.
Đồng thời, ông Long nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng trong đảm bảo an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng. Người tiêu dùng có thể kiểm soát an toàn thực phẩm bằng cách kiểm tra sự tin cậy của cơ sở sản xuất như tìm hiểu thông tin rất cụ thể về cơ sở đó.
“Chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, cũng như vai trò các bộ, ngành, cơ quan quản lý, thanh tra về an toàn thực phẩm không phải chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, mà là công việc xuyên suốt cả năm”, ông Long cho biết.
Theo đó, trên trang web của Cục An toàn thực phẩm luôn có thông tin chi tiết về việc xử lý những thực phẩm, chủ yếu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có bất cứ vi phạm nào, kể cả về quảng cáo hay về an toàn.
“Thành phần nào cũng quan trọng, từ sự quản lý của cơ quan chức năng đến ý thức tự bảo quản, tự bảo vệ chính mình của người tiêu dùng, như vậy mới có thể đảm bảo được một cái Tết an toàn, yên ấm cho mọi gia đình”, ông Long nói thêm.
Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn
Theo ông Nguyễn Hùng Long, một trong những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm là lực lượng còn rất mỏng. Mỗi tỉnh chỉ có một chi cục, thậm chí là một phòng trong sở. Còn của ngành y tế cũng chỉ có khoảng hơn chục người.
Tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc là khoảng 700.000 cơ sở lớn nhỏ.
“Với lực lượng như thế làm sao mà kiểm soát hết được. Do vậy, vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định. Kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên”, ông Long cho biết.
Về chế tài xử lý, đại diện Cục An toàn thực phẩm đánh giá mức xử phạt không phải là thấp. Nhiều cơ sở nhỏ có thể bị phạt mấy chục triệu đồng, còn những vi phạm của doanh nghiệp lớn sản xuất số lượng nhiều có thể bị phạt đến hàng tỉ đồng. Những cơ sở bị phạt nhiều có thể phá sản, không thể sản xuất được nữa.
Tuy nhiên, thực tế trong xã hội luôn có những thành phần cố tình lách luật. Do đó, dù chế tài xử phạt đến đâu thì vẫn sẽ có người vi phạm.
Nêu quan điểm về việc vừa qua TP.HCM đã thành lập Sở An toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Hùng Long, đây là một sở quản lý về an toàn thực phẩm đầu tiên trên cả nước sau hơn 6 năm triển khai mô hình thí điểm là Ban quản lý An toàn thực phẩm.
Thực chất, Ban quản lý An toàn thực phẩm là mô hình một đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm thí điểm rất hiệu quả. Tuy nhiên, vướng mắc là hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật về các tổ chức, đơn vị chuyên môn trực thuộc Ủy ban hỗ trợ quản lý các chuyên ngành không có. Vì thế, ban quản lý còn vướng trong vấn đề xử lý các vi phạm.
Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm có thể giúp đảm bảo an toàn thực phẩm dễ dàng hơn nhưng vẫn cần thời gian để có những đánh giá về hiệu quả của Sở.
“Song, tôi cho rằng việc thành lập một cơ quan quản lý có đầy đủ chức năng về một đầu mối giúp cho UBND một tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là một bước đột phá”, ông Long nhấn mạnh.
Nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người dân trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm ngày Tết:
Nguyên tắc đầu tiên là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn. Đặc biệt là không nên làm nhiều quá, tránh việc ăn không hết trữ từ ngày này sang ngày khác.
Thứ hai là đối với thực phẩm mua sẵn, cần lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất.
Thứ ba là về sử dụng. Cần sử dụng đủ, vừa phải, không nên sử dụng quá nhiều.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
Nguồn PLO: https://plo.vn/tang-cuong-thanh-tra-ve-an-toan-thuc-pham-trong-dip-tet-post775824.html