Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức 'Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024'. Sự kiện này được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, các viện, trường, cơ sở nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 được tổ chức với chủ đề chính là “Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam”, gồm một phiên toàn thể và ba hội thảo chuyên đề, thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, hệ thống đô thị cả nước đã tăng nhanh về số lượng, đã hình thành các vùng đô thị hóa cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Nếu như cuối năm 1998, cả nước mới chỉ có 633 đô thị với dân số đô thị chỉ chiếm 24% dân số cả nước thì sau 10 năm số lượng đô thị đã tăng lên 740 đô thị. Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tổng số các đô thị từ loại IV trở lên đạt gần 200 đô thị so với 86 đô thị vào năm 1998. Đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp cải tạo, mở rộng về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường...) và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...), bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống dân cư đô thị từng bước được nâng cao.

Những kết quả tích cực trong quản lý phát triển đô thị trong thời gian vừa qua đã đóng góp quan trọng để các đô thị thực hiện và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế các vùng, miền và là một động lực chủ đạo trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Hành lang pháp lý về quản lý phát triển đô thị được nghiên cứu, ban hành đã giải phóng và đa dạng hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đô thị, định hướng các mô hình phát triển và phát huy tính chủ động của các cấp chính quyền ở đô thị...

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhận định, Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Việt Nam đã trở thành nơi gặp mặt thường niên của các đô thị trên cả nước, chính quyền các cấp, các đối tác, chuyên gia và bạn bè quốc tế quan tâm đến công tác phát triển đô thị Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại các thành tựu đã đạt được, nhận diện những thách thức trong quá trình đô thị hóa, cũng như tạo cơ hội để trao đổi, thảo luận về các vấn đề trọng tâm, giới thiệu những thực tiễn tốt, bài học kinh nghiệm và các chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa Việt Nam trong giai đoạn tới.

Các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế quốc gia. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện. Nhờ vào sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhận thấy còn nhiều hạn chế tồn tại mà sự phát triển đô thị chưa khắc phục triệt để như: đô thị hóa còn dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thực sự hiệu quả; chất lượng hạ tầng đô thị còn vấn đề đặc biệt đối với các thành phố lớn gây ra nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh… Sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị thời gian qua tiếp tục tạo nên thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị trong thời gian tới.

Đứng trước những thành tựu và thách thức này, vào ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW với định hướng toàn diện cho việc quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược, định hướng cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và chính quyền các đô thị đang nỗ lực thực hiện các chương trình hành động, triển khai các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa. Các dự luật như Luật Quy hoạch đô thị-nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình đô thị hóa có chất lượng.

Diễn đàn phát triển đô thị bền vững Việt Nam 2024 ngày hôm nay được tổ chức song song với nhiều sự kiện đô thị thế giới. Trong đó có Diễn đàn đô thị thế giới năm 2024 đang tổ chức tại Ai Cập. Diễn đàn đô thị thế giới năm nay nhấn mạnh về bối cảnh áp lực lớn của các đô thị trước những hệ lụy ngày càng rõ ràng và nặng nề từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, rủi ro môi trường, sự biến đổi không ngừng về công nghệ và từ quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát và thiếu tầm nhìn. Với chủ đề “Nhà là nơi bắt đầu”, Diễn đàn này muốn truyền tải thông điệp rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cùng nhau xây dựng nơi cư trú an toàn, hòa bình và thịnh vượng cho mọi người. Trong bối cảnh này, chúng ta càng nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của đô thị là khởi đầu cho mọi thành công cũng như là điểm tựa của mọi nỗ lực xây dựng sự bền vững toàn cầu.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ Xây dựng phối hợp các bên liên quan tổ chức ba hội thảo rất sát với sự quan tâm của quốc tế và phù hợp với bối cảnh trong nước, bao gồm: Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam; Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam; Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững.

Để định hướng cho ba hội thảo chuyên đề nêu trên, Thứ trưởng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng tác động đến phát triển đô thị Việt Nam hiện nay, bao gồm:

Thứ nhất, các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW cần được triển khai mạnh mẽ, sáu nhiệm vụ đã được chỉ ra là kim chỉ nam cho phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn tới, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đến việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế khu vực đô thị.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, chuyên gia, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế, do đó, cần định hình một hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả, giúp đô thị hóa diễn ra lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.

Thứ ba, Diễn đàn đô thị lần này là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà phát triển đô thị, cùng cộng đồng trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng và sáng kiến hợp tác. Nhiều đô thị Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như SECO, ASBC, AFD, WB, ADB, GIZ …, Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững đô thị toàn cầu.

Bà Laura Petrella, Trưởng ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn.

Bà Laura Petrella, Trưởng ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn.

Bà Laura Petrella, Trưởng ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Bền vững và Chương trình Nghị sự Đô thị mới. UN-Habitat cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về đô thị, đặc biệt là xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Để hướng tới đô thị hóa bền vững và bảo đảm quá trình phát triển đô thị trong tương lai, UN-Habitat đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường thể chế và chính sách đô thị; giải quyết các vấn đề như nhà ở giá rẻ, biến đổi khí hậu, tái thiết đô thị, phát triển giao thông công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng, không gian công cộng; thúc đẩy quy hoạch đô thị tích hợp với phương pháp tiếp cận có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, tạo ra mô hình quản trị với sự phân cấp và trao quyền cho chính quyền địa phương; áp dụng các công cụ mới và sáng tạo cho quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị…

Ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam, các thành phố trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do mật độ dân số tăng, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng cao, chủ yếu ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên, các thành phố cũng là nơi tạo ra nhiều cơ hội để đổi mới, có thể thực hiện các giải pháp và kế hoạch tác động lớn đến môi trường, con người và nền kinh tế. Tại Việt Nam, các thành phố đang phát triển nhanh chóng không chỉ đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế mà còn có vai trò then chốt trong việc giải quyết những rủi ro về biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao…

Bằng cách hỗ trợ khả năng phục hồi khí hậu xanh và phát triển đô thị cac-bon thấp, ông Thomas Gass hy vọng Thụy Sĩ sẽ góp phần giúp các thành phố tại Việt Nam có khả năng phục hồi tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là chìa khóa để bảo đảm rằng các thành phố của Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu. Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực thu hút đầu tư công vào cơ sở hạ tầng bền vững, đồng thời giúp xây dựng năng lực của các tổ chức tài chính để quản lý tốt hơn các rủi ro về khí hậu.

Diễn đàn sẽ tập hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển đô thị trong nước và quốc tế để giúp các bộ, ban, ngành. Trung ương và địa phương trong việc xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, chiến lược, đề án triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cung cấp nền tảng để thảo luận và giải quyết các thách thức mới của đô thị, tạo cơ hội cho các bên liên quan hợp tác để tạo ra môi trường đô thị toàn diện trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn.

MINH THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-the-che-phat-trien-do-thi-ben-vung-o-viet-nam-post843855.html