Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực lâm nghiệp đã trở thành một trong những mũi nhọn quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Nhằm tăng cường thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lâm sản. Tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, với mục tiêu không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và phát triển xã hội.

Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: BẢO BÌNH

Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: BẢO BÌNH

Để ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp vào tăng trưởng nông nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của cả nước, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai với mục tiêu hiện đại hóa toàn ngành.

Mới đây, Nghị định số 58/2024/NĐ- CP đã được Chính phủ ban hành, quy định các chính sách đầu tư quan trọng cho ngành lâm nghiệp, bao gồm kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Nghị định này không chỉ hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm mà còn thúc đẩy các hoạt động như trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh và xây dựng đường lâm nghiệp.

Trong những năm qua, cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách huy động nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực lâm nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 của HĐND tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) trình UBND tỉnh ban hành văn bản số 3843/UBND-KT ngày 31/7/2023 với tổng kinh phí lên tới 6.675,7 triệu đồng để hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, tăng cường lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và hỗ trợ kinh phí giao đất, giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng tại các huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 73/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án trồng, bảo vệ và phát triển rừng cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn bền vững các Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa với nguồn kinh phí lên tới 90.000 triệu đồng. Những chính sách này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên rừng mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp tại địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp tại tỉnh là hơn 200 tỉ đồng. Trong đó, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chiếm hơn 30,9 tỉ đồng, các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg có tổng kinh phí hơn 73,1 tỉ đồng.

Dự án trồng, bảo vệ và phát triển rừng cùng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa được phê duyệt với kinh phí 90 tỉ đồng theo Nghị quyết 73/NQ-HĐND; chính sách hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2023-2025 với tổng kinh phí 6,6 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các loại dịch vụ môi trường rừng gồm cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch và dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon. Hằng năm, từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng thực hiện chi trả cho hơn 2.000 hộ gia đình, cá nhân, 40 cộng đồng dân cư, 10 nhóm hộ gia đình, 15 UBND xã, 3 ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 1 tổ chức khác được nhà nước giao quản lý bảo vệ rừng từ nguồn thu thủy điện với tổng số tiền chi trả giai đoạn 2021-2025 hơn 60 tỉ đồng.

Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm hỗ trợ đời sống người dân địa phương, khuyến khích họ tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tạo động lực để duy trì và phát triển các dịch vụ môi trường bền vững trong tương lai.

Phải khẳng định, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển lâm nghiệp nói riêng. Đến nay, các mục tiêu của lĩnh vực lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đạt được hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh đã duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng đạt 49%- 50%.

Người dân ngày càng tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, góp phần ổn định đời sống cho cộng đồng từ vùng núi đến vùng ven biển. Các mô hình kinh tế mới và trang trại lâm nghiệp trên vùng cát, vùng đồi đã thu hút nhiều hộ gia đình tham gia, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngày càng có nhiều cơ sở chế biến lâm sản được thành lập góp phần tăng giá trị gia tăng của rừng, tạo được mô hình chuỗi giá trị liên kết từ trồng rừng đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương đã hình thành các hợp tác xã làm nghề rừng, hình thành các nhóm hộ sản xuất nghề rừng, các chương trình, dự án đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện thành công các chỉ tiêu ngành lâm nghiệp.

Trong thời gian tới, định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực trọng tâm: Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến, phát triển kinh tế hợp tác và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường gỗ. Theo đó đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm huy động và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, với tầm nhìn đến năm 2045. Trọng tâm là bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc tăng cường tuyên truyền pháp luật và giám sát chặt chẽ công tác quản lý rừng. Phấn đấu trồng mới 45.000 ha rừng, trong đó có 2.500 ha rừng phòng hộ và đặc dụng.

Để nâng cao năng suất và chất lượng rừng, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp, phấn đấu đạt sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng khoảng 1 triệu m3/năm vào năm 2030. Đồng thời chú trọng quản lý rừng bền vững thông qua việc cấp chứng chỉ cho các diện tích rừng đã được phê duyệt.

Những nỗ lực này không chỉ nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân địa phương .

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-cuong-thu-hut-dau-tu-vao-linh-vuc-lam-nghiep-192765.htm