Tăng cường thực hiện chính sách pháp luật lao động

Nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, những năm qua các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động, kịp thời phát hiện, kiến nghị giải quyết những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Công đoàn Công ty TNHH May Youngs & Longma (Ý Yên) triển khai kế hoạch giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Công đoàn Công ty TNHH May Youngs & Longma (Ý Yên) triển khai kế hoạch giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Nam Trực đã chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) làm tốt công tác theo dõi việc thực hiện chính sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2024 đã có 100% tổ chức Công đoàn khối đơn vị hành chính sự nghiệp phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 92% tổ chức Công đoàn khối doanh nghiệp phối hợp tổ chức hội nghị người lao động. LĐLĐ huyện cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, trong đó phối hợp với Ban Chính sách và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) giám sát 1 doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện khảo sát tại 6 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện việc chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), dân chủ ở cơ sở. Hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành đồng về an toàn vệ sinh lao động (tháng 5), LĐLĐ huyện tổ chức giám sát 8 doanh nghiệp công tác an toàn vệ sinh lao động; yêu cầu kiểm định 14 máy công nghiệp tại 3 doanh nghiệp đã hết hạn kiểm định thực hiện kiểm định theo quy định pháp luật. Thông qua các cuộc giám sát liên ngành, LĐLĐ huyện yêu cầu các công ty chưa thành lập tổ chức công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho người lao động hiểu về quyền, nghĩa vụ của mình khi ký kết, thực hiện hợp đồng lao động; đồng thời đã chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn 100% CĐCS tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi ký kết hợp đồng lao động. Nhờ quyết liệt trong công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện, năm 2024 đã có 4 CĐCS thương lượng tăng giá trị bữa cơm ca từ 15 nghìn đồng/suất lên 17 nghìn đồng/suất (không bao gồm công cấp dưỡng, chất đốt). Đến nay, toàn huyện có 100% doanh nghiệp tổ chức cơm ca có giá trị từ 17 nghìn đồng/suất trở lên; 100% CĐCS khối sản xuất, kinh doanh thương lượng thành công tăng lương từ tháng 7/2024 theo Nghị quyết tăng lương của Chính phủ. Hàng năm LĐLĐ huyện tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động; thành lập Tổ tư vấn pháp luật gồm các thành viên là cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch CĐCS có đông công nhân lao động (CNLĐ), chủ tịch CĐCS các cơ quan thực thi pháp luật và đội ngũ chuyên gia pháp luật giàu kinh nghiệm. Trong năm 2024 đã trực tiếp tư vấn pháp luật lao động cho 600 lượt đoàn viên, CNLĐ và người sử dụng lao động... Bên cạnh các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ huyện đẩy mạnh công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động, như: Triển khai hỗ trợ cho 200 đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn tham gia chợ Tết trực tuyến do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/người; chỉ đạo 6 CĐCS có đông CNLĐ tổ chức “Tết sum vầy” trong đó LĐLĐ huyện trao 680 suất quà trị giá 355 triệu đồng và 50 túi quà hiện vật cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn huyện thưởng Tết cho người lao động bằng 1 tháng lương (bình quân 5 triệu đồng/người), 100% tổ chức CĐCS thưởng quà Tết từ 100-300 nghìn đồng cho đoàn viên, người lao động. 100% tổ chức CĐCS phối hợp với công ty chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ 200 nghìn đồng/người trở lên.

Đồng chí Hoàng Đình Trung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Những năm qua, LĐLĐ tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp xây dựng chương trình, triển khai thực hiện toàn diện kế hoạch kiểm tra, giám sát theo hướng sâu sát cơ sở, trong đó chú trọng tập trung tuyên truyền nội dung pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động; hỗ trợ người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại. Công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc đảm bảo đúng, đủ nội dung và thời gian theo quy định. Trong năm 2024 đã có 99,68% đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 87,8% đơn vị khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, có 310 bản thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết và thực hiện theo quy định. Đa số các đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh về tổ chức hội nghị đối thoại, trong đó có 235 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đối thoại tại nơi làm việc đã tăng cường đoàn kết, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa Công đoàn, chuyên môn và công nhân lao động trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp, triển khai giám sát liên ngành năm 2024 về thực hiện pháp luật lao động. Trong đó, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra liên ngành về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động tại 10 doanh nghiệp, cơ bản các đơn vị đều thực hiện tốt pháp luật lao động, không nợ BHXH, có nhiều chế độ phúc lợi cho người lao động. Tăng cường tuyên truyền một số quy định luật thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, một số nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động năm 2019 về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể cung cấp cho đoàn viên, người lao động. Năm 2024, LĐLĐ tỉnh kiện toàn Văn phòng tư vấn pháp luật gồm 17 thành viên, tổ chức tư vấn cho gần 100 lượt CNLĐ; LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho 580 CNLĐ tại các Công ty TNHH Giầy Amara, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam và Công ty TNHH Senda Việt Nam. Không chỉ quan tâm thực hiện chính sách pháp luật lao động, LĐLĐ tỉnh chú trọng xây dựng chương trình hưởng ứng Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; tham gia đoàn công tác điều tra tai nạn lao động tại Công ty TNHH Viet Power huyện Hải Hậu, Công ty Điện lực Nam Định. Các cấp Công đoàn trong tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh cung cấp tư liệu, đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự về chính sách pháp luật lao động; biên soạn, phát hành hàng nghìn tờ gấp tư vấn pháp luật; tăng cường các hình thức cổ động trực quan tại các khu, cụm công nghiệp nơi có đông CNLĐ…

Thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tăng cường giám sát quá trình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, việc làm của người lao động; phát huy tính chủ động, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp và người lao động.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202502/tang-cuong-thuc-hienchinh-sach-phap-luat-lao-dong-afc2f4f/