Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

Từ năm học 2021 - 2022 đến 2023 - 2024, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện giai đoạn 2 của Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ”. Qua 3 năm triển khai đề án đã ghi nhận những kết quả tích cực, song vẫn còn một số khó khăn cần được các cấp, ngành quan tâm.

Giúp trẻ học tiếng Việt tốt hơn

Là đơn vị điểm cấp huyện triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, thời gian qua, Trường Mầm non Trầm Hương (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) đã đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bổ sung tài liệu, học liệu, đồ chơi ngoài trời. Ở trong và ngoài lớp học, các đồ dùng được nhà trường tận dụng tối đa; tranh ảnh, câu chuyện, bài thơ, bài hát tiếng dân tộc của trẻ được giáo viên khai thác dạy trẻ học tiếng Việt; hệ thống bảng tin, bảng biểu… ở khu vực chung đều được viết bằng 2 ngôn ngữ… Cô Hồ Thị Mỹ Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn trường có 11 lớp, 4 điểm trường ở 3 thôn, với 333 trẻ, trong đó có 209 trẻ em DTTS, chủ yếu là dân tộc Raglai. Các hoạt động chú trọng thực hiện trên cơ sở nội dung và phương pháp giáo dục song ngữ (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của trẻ) để tạo sự gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Qua đó, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, vốn tiếng Việt của trẻ thêm phong phú”.

Các bé Trường Mầm non Trầm Hương trong giờ học.

Các bé Trường Mầm non Trầm Hương trong giờ học.

Nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt theo hướng song ngữ phù hợp với đặc thù của địa phương, như: Tạo vườn rau, vườn hoa, cây cảnh có chú thích 2 ngôn ngữ; tranh vẽ, các góc trưng bày vật dụng mô phỏng nét văn hóa của người dân tộc tại địa phương... Trong lớp có không gian tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi, vật liệu bằng tiếng Việt, có tivi và tổ chức các hoạt động vui chơi, giao tiếp thực hành hàng ngày. Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ ngay từ mẫu giáo đã tạo tiền đề cho trẻ DTTS bước vào chương trình tiểu học. Trước khi vào lớp 1, trẻ DTTS trên địa bàn tỉnh còn được tăng cường tiếng Việt từ 1 đến 2 tháng, tùy theo từng trường. Những học sinh tiểu học còn hạn chế về tiếng Việt, chậm tiến bộ hoặc chưa hoàn thành môn tiếng Việt trong năm học cũng được phụ đạo thêm vào dịp này.

Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hoạt động tăng cường tiếng Việt đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp trẻ mạnh dạn và biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp nhiều hơn; trẻ chuẩn bị vào lớp 1 biết nhận diện, phát âm được bộ chữ cái tiếng Việt; biết cách cầm bút, tư thế ngồi viết đúng; làm quen với một số hoạt động, nề nếp học tập. Có em đã có thể tô, viết được chữ cái và một số vần đơn giản. Trong năm học, các trường tiểu học duy trì việc lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong các môn học, hoạt động giáo dục, phát động phong trào xây dựng môi trường tiếng Việt, triển khai các góc ngôn ngữ trong lớp học để hỗ trợ học sinh, duy trì hoạt động giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”… Qua đó, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. Trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi đạt 93 - 94%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% và hoàn thành chương trình lớp học đạt hơn 96%.

Mong tiếp tục được quan tâm

Những năm qua, chế độ hỗ trợ ăn bán trú tại trường trong 9 tháng của năm học đã giúp trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học DTTS đi học chuyên cần hơn. Ở cấp tiểu học, việc học 2 buổi/ngày đã tạo điều kiện cho các trường tổ chức tốt việc tăng cường tiếng Việt. Tuy vậy, theo ông Phan Văn Thoại - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em độ tuổi nhà trẻ nên tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi này ra lớp còn thấp. Trên địa bàn huyện, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ năm 2023 mới chỉ đạt 28,4%, còn xa so với chỉ tiêu 35% vào năm 2025. Bên cạnh đó, học sinh tham gia học tăng cường tiếng Việt trong hè cũng chưa có chế độ hỗ trợ ăn trưa; tâm lý giáo viên muốn dịp hè được nghỉ ngơi nên đa số chưa mặn mà với việc tham gia dạy trong dịp hè.

Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, nhìn chung, học sinh DTTS còn rụt rè; môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt không thuần nhất bởi đa số các em chỉ nói tiếng Việt khi ở trường, còn khi về với gia đình lại nói tiếng dân tộc mình nên việc phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt gặp khó khăn.

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm chế độ, chính sách phù hợp cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý của các trường có học sinh DTTS và các đối tượng tham gia hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Vừa qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ để huy động trẻ độ tuổi này ra lớp đạt chỉ tiêu đề ra. Sở đang hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chế độ tổ chức dạy và học tiếng Việt trong hè cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 36 trường mầm non (trên tổng số 81 trường mầm non công lập có học sinh DTTS), 34 trường tiểu học (trên tổng số 160 trường tiểu học có học sinh DTTS) thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa) tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Đây là những trường có đông học sinh DTTS. Trong hè 2024, có gần 1.700 trẻ chuẩn bị vào lớp 1 được tăng cường tiếng Việt (thời gian 1 tháng), với kinh phí của các địa phương hơn 353 triệu đồng.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202408/tang-cuongtieng-viet-cho-tre-dan-toc-thieu-so-ad26fff/